Giải ngân đầu tư công - chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu giải ngân hết 630.000 tỷ đồng thì góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do đó, cần giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ.
Tháng 8/2020 thu hồi, cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết ngày 31/7/2020 chưa phân bổ chi tiết hết
Tháng 8/2020 thu hồi, cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết ngày 31/7/2020 chưa phân bổ chi tiết hết

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 3/8/2020.

Số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công có sự bứt phá, tăng kỷ lục trong tháng 7/2020. Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đến hết ngày 31/7/2020 là 194.177,651 tỷ đồng, đạt 41,26% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, cao nhất cùng kỳ 5 năm qua.

Có 12 bộ, cơ quan trung ương và 38 địa phương ước tỷ lệ giải ngân đến 31/7/2020 đạt trên 35%. Trong đó, 6 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 55%; gồm: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (99,45%), Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Bộ Nội Vụ (62,85%), Ngân hàng phát triển (61,09%), Hội Nhà báo Việt Nam (59,51%), Tiền Giang (73,98%), Nghệ An (69,23%), Lạng Sơn (63,44%), Hưng Yên (58,19%), Ninh Bình (56,85%), Phú Thọ (56,33%), Hà Nam (55,50%), Thái Bình (55,18%). Có 24 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó, có 10 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 10%.

Bộ KH&ĐT nhận định, tiến độ giải ngân vốn NSNN 7 tháng cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước. Để đạt được kết quả này, một phần là do hành lang pháp lý về đầu tư công đã được đổi mới toàn diện thể hiện trong công tác giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN nhưng chủ yếu là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; xác định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020 của tất cả các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra trong năm nay thì tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2020 vẫn còn thấp. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các văn bản số: 4403/BKHĐT-TH ngày 9/7/2020, 4767/BKHĐT-TH ngày 23/7/2020 đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo tình hình phân bổ, giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho dự án đến ngày 30/6/2020 và đến ngày 31/7/2020, dự kiến giải ngân đến ngày 30/9/2020. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng thời gian quy định.

Cụ thể, trong tháng 8/2020, thu hồi, cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết ngày 31/7/2020 chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn năm 2020 được giao, không có nhu cầu sử dụng để điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn.

Trong tháng 10/2020, cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết ngày 30/9/2020 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn NSTW đã được giao từ đầu năm 2020 để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn NSTW năm 2020 và các dự án khẩn cấp như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tin cùng chuyên mục