Gói thầu cải tạo Trung tâm Bảo trợ xã hội Nam Định: Có giải quyết thấu đáo kiến nghị?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Thi công xây dựng công trình cải tạo, sửa chữa Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nam Định (giai đoạn II) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Tham gia đấu thầu và bị loại, một nhà thầu đã nhiều lần gửi kiến nghị đến Bên mời thầu/Chủ đầu tư đề nghị xem xét, đánh giá lại hồ sơ dự thầu (HSDT).
Nhà thầu bị đánh giá không đạt kỹ thuật do không có các giải pháp thi công phần chống mối, phần cổng, hàng rào, san nền... Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhà thầu bị đánh giá không đạt kỹ thuật do không có các giải pháp thi công phần chống mối, phần cổng, hàng rào, san nền... Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 10,342 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 12,128 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố ngày 16/11/2020, tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành ký kết hợp đồng với Nhà thầu trúng thầu do đang trong thời gian giải quyết kiến nghị.

Theo nội dung các lần kiến nghị, Nhà thầu cho rằng đã kê khai đầy đủ về năng lực và kinh nghiệm trong HSDT, những sai sót theo đánh giá của Bên mời thầu không làm ảnh hưởng tới tính đáp ứng cơ bản của HSDT. Đồng thời, Nhà thầu đang có lợi thế khi chào giá thấp nhất. Tuy nhiên, Nhà thầu không được yêu cầu cung cấp các tài liệu làm rõ, chứng minh về năng lực, kinh nghiệm, khiến quyền lợi của Nhà thầu không được đảm bảo.

Sau khi nhận được kiến nghị của Nhà thầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định. Ngay sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Theo đó, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị đã xem xét và đưa ra kết luận đối với 3 nội dung kiến nghị. Thứ nhất, Nhà thầu bị đánh giá là không đạt yêu cầu kỹ thuật do không có bảng kê đầy đủ các loại vật tư chủ yếu (cát, đá, xi măng...) sử dụng cho thi công công trình. Đánh giá này là hợp lý, bởi HSMT có quy định, trường hợp nhà thầu có bảng kê đầy đủ danh mục vật tư thì được đánh giá là đạt, trường hợp nhà thầu không kê khai chi tiết sẽ bị đánh giá là không đạt tiêu chí này. Theo đó, việc Nhà thầu chỉ lập cam kết về tính đáp ứng cung cấp các loại vật tư, vật liệu này là chưa đủ để được đánh giá là đạt.

Thứ hai, Nhà thầu bị đánh giá không đạt kỹ thuật do không đề xuất được giải pháp kỹ thuật hợp lý, phù hợp với biện pháp, tiến độ thi công và hiện trạng công trình. Cụ thể, Nhà thầu không có các giải pháp thi công phần chống mối, phần cổng, hàng rào, san nền... Đối với nội dung này, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị bảo lưu ý kiến đánh giá của Bên mời thầu.

Thứ ba, Nhà thầu bị đánh giá không đạt do có một hợp đồng tương tự chậm tiến độ. Đối với nội dung này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã trực tiếp làm việc và xác minh thông tin với phía chủ đầu tư của công trình chậm tiến độ. Căn cứ vào đó, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị bảo lưu ý kiến đánh giá của Bên mời thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu nhận định, Báo cáo đánh giá của Bên mời thầu và Kết luận của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong trường hợp này là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, 2 trong số 3 tiêu chí không đạt đều là các yêu cầu kỹ thuật, một trong những nội dung không được làm rõ.

Cũng theo vị chuyên gia này, mọi doanh nghiệp đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, đồng nghĩa với việc họ có quyền “lên tiếng” khi quyền lợi không được đảm bảo. Tuy nhiên, không phải lúc nào, sự lên tiếng ấy cũng là chính đáng. Trường hợp những gói thầu vấp phải kiến nghị, sẽ sinh ra nhiều hệ lụy, nhất là đối với chủ đầu tư. Đơn cử như việc chậm tiến độ do không thể ký kết hợp đồng triển khai thi công với nhà thầu trúng thầu. Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị, các nhà thầu cần nhìn nhận công bằng, khách quan hơn khi đưa ra kiến nghị trong đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục