Gói thầu sửa chữa giảm chấn đầu neo dây văng cầu Mỹ Thuận: Hồ sơ mời thầu có “kén” nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, Gói thầu Sửa chữa công trình và đảm bảo giao thông của Dự án Sửa chữa, thay thế các giảm chấn đầu neo dây văng cầu Mỹ Thuận Km2028+134 Quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang đang mời thầu qua mạng, dự kiến đóng thầu vào ngày 20/10/2023. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự về cầu dây văng, cấp đặc biệt được hoàn thành từ năm 2020 trở lại đây sẽ “kén chọn” nhà thầu.
Cầu Mỹ Thuận là công trình cầu dây văng đầu tiên thực hiện sửa chữa, thay thế các giảm chấn đầu neo dây văng. Ảnh: Internet
Cầu Mỹ Thuận là công trình cầu dây văng đầu tiên thực hiện sửa chữa, thay thế các giảm chấn đầu neo dây văng. Ảnh: Internet

Gói thầu trên có giá 25,09 tỷ đồng, được đấu thầu qua mạng, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ, do Khu Quản lý đường bộ IV làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C làm bên mời thầu. Gói thầu trên được mời thầu qua mạng từ ngày 20/9/2023, dự kiến đóng thầu vào lúc 10h ngày 20/10/2023.

Theo phản ánh của nhà thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu tham dự phải có kinh nghiệm hoàn thành tối thiểu 1 hợp đồng tương tự là 1 công trình độc lập về giao thông đường bộ, cấp đặc biệt, có hạng mục cung cấp, lắp đặt hoặc sửa chữa, thay thế các bộ giảm chấn đầu neo dây văng cầu có giá trị 12,509 tỷ đồng trong vòng thời gian từ năm 2020 trở lại đây. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu này sẽ làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu vì công trình cầu dây văng cấp đặc biệt tại Việt Nam được hoàn thành trong thời gian từ năm 2020 trở lại đây rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Công trình cầu Mỹ Thuận 2 (nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long) vừa mới được hợp long ngày 14/10/2023 đáp ứng đủ yêu cầu về tính tương tự của gói thầu trên thì nhà thầu thi công sẽ chưa kịp làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán để đủ hồ sơ tham dự. Duy chỉ có công trình cầu Thủ Thiêm khánh thành tháng 4/2022 đảm bảo đủ điều kiện tương tự với gói thầu đang xét thì nhà thầu thi công công trình này mới có thể làm hồ sơ dự thầu.

Hiện nay, ở Việt Nam, có rất nhiều công trình cầu dây văng cấp đặc biệt nhưng có thời gian hoàn thành trước năm 2020 như: cầu Nhật Tân, cầu Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, cầu Phú Mỹ, cầu Kiền, cầu Bính, cầu Bãi Cháy… Với quy định như trên, rất nhiều nhà thầu lớn của Việt Nam đã tham gia thi công và hoàn thành các công trình cầu dây văng lớn sẽ phải “đứng ngoài cuộc” vì các công trình này có thời gian hoàn thành trước năm 2020.

Ngày 16/10/2023, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của Khu Quản lý đường bộ IV cho biết, tiếp thu phản ánh của nhà thầu và Báo Đấu thầu, Chủ đầu tư sẽ họp bàn với đơn vị tư vấn sửa HSMT sớm nhất có thể. Theo đó sẽ điều chỉnh yêu cầu về hợp đồng tương tự của nhà thầu trong thời gian 5 năm gần nhất (tính đến thời điểm đóng thầu). Việc lập HSMT được Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn dựa vào mẫu HSMT, trong đó yêu cầu thời gian của hợp đồng tương tự là từ 3 – 5 năm trước thời điểm đóng thầu. Trường hợp sau khi sửa HSMT, điều chỉnh yêu cầu về hợp đồng tương tự trong vòng 5 năm mà không có nhà thầu tham dự hoặc đáp ứng yêu cầu thì Chủ đầu tư sẽ tiếp tục xin ý kiến của cấp có thẩm quyền “nới rộng” thời gian yêu cầu về hợp đồng tương tự (nếu pháp luật cho phép).

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia về cầu đường cho biết, Gói thầu Sửa chữa công trình và đảm bảo giao thông của Dự án Sửa chữa, thay thế các giảm chấn đầu neo dây văng cầu Mỹ Thuận mặc dù có giá trị chỉ hơn 25 tỷ đồng nhưng đây là gói thầu sửa chữa đầu tiên đối với các công trình cầu dây văng cấp đặc biệt của Việt Nam. Sắp tới, các công trình cầu dây văng này sau quá trình vận hành nhiều năm sẽ phải duy tu, bảo dưỡng bởi các gói thầu tương tự. Việc Chủ đầu tư điều chỉnh tiêu chí để lựa chọn được nhiều nhà thầu có đủ năng lực thật sự triển khai các gói thầu này sẽ “rộng cửa” cho công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình cầu dây văng thời gian tới.

Còn theo chuyên gia đấu thầu, pháp luật về đấu thầu quy định thời gian của hợp đồng tương tự thông thường là 3 – 5 năm trước thời điểm đóng thầu nhưng không “bó cứng”. Tùy tình hình thực tế và đặc thù của gói thầu, Chủ đầu tư hoàn toàn có quyền “nới rộng” khoảng thời gian về hợp đồng tương tự (có thể yêu cầu hợp đồng tương tự từ 5 – 10 năm, các công trình cao tốc Bắc – Nam đều yêu cầu về hợp đồng tương tự của nhà thầu trong thời gian hơn 5 năm). Việc mở rộng khoảng thời gian thông thường này của hợp đồng tương tự là nhằm đảm bảo tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu có đủ năng lực thực sự tham gia đấu thầu, gia tăng tính cạnh tranh cho gói thầu, chứ không phải “hạ thấp” tiêu chí để mời thầu, là đúng tinh thần của pháp luật về đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục