Grab muốn giúp các nước tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm. Ảnh:AFP |
Grab đang thử nghiệm dịch vụ trực thăng tại Indonesia, CEO kiêm đồng sáng lập Anthony Tan cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm qua trên CNBC. Dịch vụ có tên GrabHeli, đã được áp dụng với một số người dùng chọn lọc tại Indonesia trong tháng 6, nhằm kỷ niệm 5 năm Grab hoạt động. Mục tiêu của họ là giúp người dùng thoát khỏi tình trạng ách tắc tại Jakarta.
"Có nhiều thị trường mà giao thông là vấn đề lớn với mọi người. Kể cả các chính phủ cũng cho biết vấn đề này tiêu tốn của họ hàng tỷ USD mỗi năm", Tan cho biết. Một trong những địa điểm này là Indonesia - cũng là thị trường lớn nhất của Grab hiện nay.
Thủ đô Jakarta nổi tiếng vì tắc đường. Tình trạng này được cho là khiến thành phố thiệt hại 65.000 tỷ rupiah (4,87 tỷ USD) mỗi năm. Người lao động tại đây mất thêm 48 phút mỗi ngày để di chuyển trong giờ cao điểm, TomTom Traffic Index cho biết.
Dù các dịch vụ hiện tại của Grab cũng có mục đích giảm thiểu việc này, nhưng trực thăng có thể đưa trải nghiệm của người dùng lên một tầm cao mới. "Có rất nhiều người không muốn nhảy lên xe máy", dù có là miễn phí đi nữa, Tan cho biết, "Nhưng họ sẵn sàng trả thêm tiền để được bay qua các mái nhà".
Grab không phải công ty duy nhất tìm đến các phương tiện giao thông phi truyền thống. Uber cũng đã thử nghiệm các dịch vụ trực thăng UberCopter và UberChopper tại vài thành phố, như Cannes, Sao Paulo và New Delhi.
Tan cho biết chưa thể khẳng định khi nào GrabHeli chính thức hoạt động, do việc này còn tùy thuộc vào các quy định về hàng không và nhu cầu của người dùng. "Nếu quy định tiếp tục cởi mở và số người dùng thượng lưu gia tăng, tại sao lại không chứ", anh nói.