Nghệ An chỉ định tổ chức đấu giá khoáng sản có trái luật?

(BĐT) - UBND tỉnh Nghệ An vừa quyết định lựa chọn Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (ĐGTS) trực thuộc Sở Tư pháp Tỉnh thực hiện các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS) trên địa bàn. Theo chuyên gia đấu giá, việc một tổ chức ĐGTS được “chỉ định độc quyền” thực hiện các cuộc đấu giá khoáng sản mà không tiến hành công khai lựa chọn là trái với quy định của pháp luật về ĐGTS.
Theo Luật Đấu giá tài sản, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải được thực hiện công khai theo các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, cụ thể. Ảnh: An An
Theo Luật Đấu giá tài sản, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phải được thực hiện công khai theo các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, cụ thể. Ảnh: An An

Theo Quyết định số 220/QĐ-UBND được UBND tỉnh Nghệ An ban hành vào ngày 21/1/2020, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp Nghệ An sẽ thực hiện nhiệm vụ: Tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham dự phiên đấu giá, giá khởi điểm, bước giá từ Sở Tài nguyên và Môi trường; thực hiện việc tổ chức phiên đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về kết quả của phiên đấu giá; báo cáo kịp thời kết quả phiên đấu giá cho UBND Tỉnh và Sở Sở Tài nguyên và Môi trường.

UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND dựa trên các quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015, Luật Đấu giá tài sản ngày 17/11/2016, Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010 và các đề nghị của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia đấu giá, quyết định hành chính này của UBND tỉnh Nghệ An là trái với quy định của pháp luật về ĐGTS. Pháp luật về khoáng sản cũng không có quy định về việc chỉ định thực hiện đối với trường hợp đấu giá QKTKS. Luật ĐGTS quy định, tài sản là QKTKS theo quy định của pháp luật về khoáng sản phải bán thông qua đấu giá thì phải thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục ĐGTS của Luật ĐGTS. Ngay cả trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của Luật ĐGTS với quy định của luật khác (trong trường hợp này là Luật Khoáng sản) thì phải áp dụng theo quy định của Luật ĐGTS.

“Quy định của Luật ĐGTS không cho phép người có tài sản được chỉ định hoặc giao cho tổ chức đấu giá bất kỳ thực hiện ĐGTS. Việc lựa chọn tổ chức ĐGTS phải được thực hiện công khai theo các tiêu chí lựa chọn rõ ràng, cụ thể. Do đó, văn bản, quyết định hành chính có quy định chỉ định hoặc giao cụ thể cho một tổ chức đấu giá thực hiện bán đấu giá QKTKS, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức ĐGTS là trái với quy định của pháp luật về ĐGTS”, một chuyên gia khẳng định.

Ngày 29/10/2019, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 1799/STP-TTĐG đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất của Tỉnh lựa chọn Trung tâm Đấu giá tài sản Thanh Hóa thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với các dự án đấu giá QSDĐ có tổng giá trị khởi điểm từ 50 tỷ đồng trở lên do UBND Tỉnh phê duyệt; dự án đấu giá QSDĐ có tổng giá trị khởi điểm từ 10 tỷ đồng trở lên do UBND cấp huyện phê duyệt. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã bác bỏ đề xuất này do không có cơ sở xem xét.

Tin cùng chuyên mục