Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp với hội đồng cố vấn gồm các CEO. Ảnh:AP. |
Ngày 15/8, Indra Nooyi, giám đốc điều hành (CEO) PepsiCo, có một cuộc điện thoại quan trọng với các lãnh đạo doanh nghiệp khác, những người tham gia hội đồng kinh tế cố vấn cho Tổng thống Mỹ Donald Trump giống như bà. Kế hoạch nói lời chia tay ông chủ Nhà Trắng bắt đầu thành hình từ đây, theo New York Times.
Cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp khác, bà Nooyi đã chăm chú theo dõi những lùm xùm xung quanh Tổng thống Trump với một tâm trạng đầy hoang mang, lúng túng, khi ông đổ lỗi cho "nhiều bên" vì gây ra cảnh bạo lực ở thành phố Charlottesville, bang Virginia, hồi cuối tuần trước.
Cuộc tuần hành bảo vệ tượng tướng Robert E. Lee, lãnh đạo Liên minh miền Nam trong nội chiến Mỹ, tại thành phố Charlottesville, bang Virginia hôm 12/8 đã biến thành bạo lực khi một phần tử theo chủ nghĩa dân tộc da trắng lao xe vào đám đông khiến một người chết và nhiều người bị thương. Các cuộc đụng độ nổ ra sau đó buộc bang Virginia phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Nooyi lúc bấy giờ nói chuyện với Mary T. Barra, người đứng đầu General Motors, Virginia M. Rometty, CEO công ty IBM, và Rich Lesser, CEO công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group. Họ đều không hài lòng với cách Tổng thống Mỹ phản ứng trước tình hình hỗn loạn tại Charlottesville. Họ cùng có chung phân vân rằng liệu đã đến lúc rút lui khỏi Diễn đàn Chính sách và Chiến lược hay chưa. Đây là một nhóm được thành lập hồi cuối năm ngoái, tập hợp những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài năng với nhiệm vụ cố vấn Tổng thống Mỹ về các vấn đề kinh tế.
Trong lúc các cuộc điện thoại trên diễn ra, một nhóm cố vấn quan trọng khác của Tổng thống Trump mang tên Sáng kiến Sản xuất Việc làm cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tan rã. Sáng 14/8, CEO công ty dược Merck rút tên khỏi nhóm. Sau đó, CEO tập đoàn Intel và công ty sản xuất đồ thể thao Under Armour cùng các đại diện đến từ một liên minh doanh nghiệp phi lợi nhuận tiếp tục nối bước ra đi.
Một số CEO hôm 15/8 vẫn phân vân giữa hai lựa chọn: Ở lại ban cố vấn chính sách cho Tổng thống Mỹ hay tuyên bố rút lui. Nhưng khi ông Trump tổ chức cuộc họp báo tại Tháp Trump, New York, tối cùng ngày để lên án tất cả "các bên" trong cuộc hỗn loạn ở Virginia, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã có được quyết định cuối cùng.
Sáng 16/8, hàng loạt CEO của những doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất nước Mỹ cùng tham gia một cuộc thảo luận qua điện thoại. Sau một hồi tranh luận, họ đi đến thống nhất: Diễn đàn Chính sách và Chiến lược nên giải thể.
Các chuyên gia cho rằng quyết định này là một đòn giáng mạnh vào Tổng thống Trump, người luôn tự hào về mối quan hệ gần gũi giữa ông với các lãnh đạo doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trước khi các CEO kịp ra thông báo về quyết định giải thể, Tổng thống Trump đã lên tiếng trước. Ông nghe được thông tin về kế hoạch của họ và muốn là người nói lời cuối cùng.
Trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng viết: "Thay vì trút áp lực lên những doanh nhân thuộc Hội đồng Sản xuất cũng như Diễn đàn Chính sách và Chiến lược, tôi sẽ chấm dứt cả hai. Cảm ơn tất cả!"
Khủng hoảng niềm tin
Tổng thống Trump xuất thân là một doanh nhân tỷ phú. Trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông đã lấp đầy không ít vị trí quan trọng trong chính quyền bằng những cái tên nổi tiếng đến từ Phố Wall hay giám đốc doanh nghiệp. Ông thuyết phục được hàng loạt CEO đình đám trở thành cố vấn cho mình.
Nhưng sau 7 tháng ngồi trên chiếc ghế Tổng thống Mỹ, Trump đang phải đối diện với tình thế khó khăn: các lãnh đạo doanh nghiệp giờ đây không còn muốn liên quan đến ông.
"Các CEO phải chịu áp lực liên tiếp từ khách hàng, nhân viên, cổ đông và thành viên hội đồng quản trị yêu cầu họ phải thể hiện rõ ràng quan điểm phản đối trước những gì đang diễn ra và điều đó khiến họ dần tách khỏi các hội đồng của Tổng thống Trump", Bill George, cựu CEO công ty sản xuất thiết bị y tế Medtronic, thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Goldman Sachs, nhận xét. "Họ không thể tồn tại khi khách hàng nghĩ rằng họ cùng phe với một ai đó ủng hộ thuyết người da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa phát xít mới".
Theo giới quan sát, việc hội đồng cố vấn của Tổng thống Trump bị giải tán hay việc các CEO rút khỏi nó là dấu hiệu cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin mới trong cộng đồng lãnh đạo doanh nghiệp.
"Họ có vài cuộc họp và một số hành động phô trương nhưng chúng chủ yếu mang tính biểu tượng", Anat R. Admati, giáo sư kinh tế - tài chính tại Trường Kinh tế Stanford, bình luận về hoạt động của nhóm cố vấn CEO cho Tổng thống Trump.
"Trong lịch sử Mỹ, chúng ta chưa từng thấy các lãnh đạo doanh nghiệp từ chối thực hiện nghĩa vụ quốc gia khi được tổng thống yêu cầu", Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Quản lý Yale, cho hay. "Vậy mà họ lại đang quay lưng với ông ấy".
CEO công ty quản lý tài sản Blackstone Group Stephen A. Schwarzman trong một cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 4. Ảnh:New York Times.
Tối 15/8, Schwarzman gọi cho Jared Kushner, con rể Tổng thống Trump, để thông báo rằng diễn đàn chính sách đang sụp đổ. Cùng lúc, ông bắt tay vào soạn thảo sẵn một thông báo về việc giải thể nhóm cố vấn.
Nỗ lực thiết lập cuộc họp trực tuyến giữa các CEO vào đêm 15/8 không thành công. Vì thế, cuộc họp được chuyển sang 11h30 ngày 16/8.
Sáng 16/8, Laurence D. Fink, CEO BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, gọi cho bà Nooyi, bà Rometty, bà Barra và ông Douglas McMillon, CEO Walmart.
Fink quyết định rút lui sau khi chứng kiến những tuyên bố từ Tổng thống Trump tối 15/8. Ông muốn kêu gọi các giám đốc doanh nghiệp khác theo bước mình. Ông McMillon, người tuần trước công khai chỉ trích Tổng thống Mỹ nhưng chưa rút lui, đã thay đổi suy nghĩ sau cuộc họp báo tối 15/8 của ông Trump, quyết định rời bỏ ban cố vấn.
Cuộc họp trực tuyến bắt đầu với sự chủ trì của Schwarzman. Ông cho tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp một khoảng thời gian để bày tỏ quan điểm. Jim McNerney, cựu CEO hãng Boeing, và Jack Welch, cựu lãnh đạo General Electric, đề xuất ra một thông cáo lên án Tổng thống Trump nhưng vẫn giữ nhóm cố vấn.
Nhưng hầu hết những người còn lại, trong đó có ông Fink và bà Nooyi, nghiêng về ý muốn giải thể hội đồng cố vấn.
CEO Rometty của IBM, người hứng chịu chỉ trích từ nhân viên vì vai trò trong nhóm, cho rằng cần "vừa lên án vừa giải thể". Ý kiến này nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Trong suốt 40 phút thảo luận, Schwarzman không thúc giục các CEO khác trung thành với Tổng thống Trump. CEO công ty quản lý tài sản Blackstone Group nói rằng ông đặt nhiều hy vọng vào nhóm nhưng thực sự họ cần phải làm gì đó trước cách mà Tổng thống Trump phản ứng với tình trạng bạo lực ở Charlottesville.
Trong lúc các thành viên Diễn đàn Chính sách gọi điện, những thành viên khác thuộc Hội đồng Sản xuất, bao gồm bà Denise Morrison, CEO công ty thực phẩm đóng hộp Campbell Soup, và ông Inge Thulin, CEO hãng sản xuất 3M, thông báo họ xin rút lui.
Cuộc họp kết thúc cũng là lúc cả nhóm đồng ý phương án giải thể. Sau khi thông qua quyết định cuối cùng, Schwarzman gọi tới Nhà Trắng để báo tin. Ông nhận được yêu cầu phải nêu rõ rằng Tổng thống Trump đồng ý với việc giải thể. Không lâu sau, ông Trump thông báo quyết định giải thể nhóm cố vấn trên Twitter.
Các công ty bắt đầu lên tiếng. Johnson & Johnson cho biết CEO của họ, ông Alex Gorsky, đã rời hội đồng cố vấn trước lúc ông Trump thông báo trên Twitter. Những CEO từng ủng hộ Tổng thống Trump cũng lần lượt thông báo họ không còn liên quan tới ông chủ Nhà Trắng.
"Không có chỗ cho sự lập lờ ở đây: Cái ác cần bị lên án và không thể dung túng nó tại một quốc gia nhân đạo và đa dạng như chúng ta", CEO JPMorgan Jamie Dimon viết.
"Tuần trước, chúng tôi đã chứng kiến và nghe thấy những sự kiện và tuyên bố đi ngược lại các giá trị của chúng tôi", bà Rometty cho hay.
Jeffrey Immelt, chủ tịch General Electric, nhấn mạnh "những tuyên bố của Tổng thống hôm qua thực sự gây lo ngại". Ông nhắc tới buổi họp báo tại Tháp Trump do Tổng thống Mỹ tổ chức tối 15/8.