Hóa giải áp lực giải ngân vốn đầu tư công: Giải pháp mạnh, thực thi quyết liệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 5 tháng, dù đã có những chuyển biến tích cực trong giải ngân đầu tư công nhưng lượng vốn cần giải ngân trong 7 tháng còn lại rất lớn. Các giải pháp mạnh đã được đưa ra. Sự quyết tâm, quyết liệt trong triển khai của các bộ, ngành, địa phương sẽ là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo tiến độ, chất lượng giải ngân. 
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong các tháng tới. Ảnh: Lê Tiên
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong các tháng tới. Ảnh: Lê Tiên

Áp lực giải ngân rất lớn

Số liệu giải ngân vốn đầu tư công tháng 5 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tính chung 5 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đánh giá, Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2020 là một nhân tố tạo nên sự chuyển động tích cực của giải ngân đầu tư công trong 5 tháng qua. Luật đã có nhiều sửa đổi quan trọng, tháo gỡ nhiều thủ tục đầu tư, đặc biệt là cho phép các bộ, ngành, địa phương được chủ động điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Tuy kết quả giải ngân của tháng 5 tích cực, nhưng lượng vốn cần giải ngân trong năm nay còn rất lớn. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, năm nay, kế hoạch vốn đầu tư công cần giải ngân là 692 nghìn tỷ đồng. “Dù ngay từ tháng 2, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nghị quyết để thúc đẩy đầu tư công, nhưng với các chính sách như hiện nay thì dù các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Long Thành đồng loạt triển khai cũng khó giải ngân hết, nếu tất cả các bộ,  địa phương không quyết liệt”, ông Kiên nhận định. 

Giải pháp mạnh, gắn với trách nhiệm cá nhân

Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, giải ngân đầu tư công nhiều năm nay chậm có nguyên nhân quan trọng do tuân thủ các quy trình thủ tục phức tạp. “Một trong những thành công trong công tác chống dịch thời gian qua là do đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách bất quy tắc, dựa trên kết quả. Nếu đầu tư công cũng chuyển sang đánh giá bằng kết quả, sẽ đẩy nhanh giải ngân và đảm bảo hiệu quả đầu tư”, ông Hoàng Văn Cường khuyến nghị.

Đồng quan điểm tình huống đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt để giải ngân hết vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, hai vướng mắc lớn nhất là giải phóng mặt bằng và quy trình thủ tục. Nếu theo quy trình thông thường thì cuối năm nay khó giải ngân hết vốn đầu tư công, cần có giải pháp đột phá ngoài quy định hiện hành.

Thực tế, ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số giải pháp đặc biệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh các giải pháp mạnh thuộc thẩm quyền của Chính phủ,.

Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp, vấn đề thực thi sẽ là yếu tố quan trọng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân đầu tư công là vấn đề rất phức tạp, năm nào cũng có giải pháp, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Quan trọng nhất là cần động lực, quyết tâm, quan tâm của các cấp, các bộ, ngành, địa phương. Năm nay, Chính phủ đã yêu cầu gắn trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu đối với kết quả giải ngân đầu tư công, là tiêu chí để xem xét đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng.

Nhiều ý kiến kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt, đặc biệt là gắn rõ trách nhiệm của người đứng đầu, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa trong các tháng tới, nhất là khi các hoạt động kinh tế đã không còn bị gián đoạn do giãn cách xã hội. Ngoài ra, với nhiều dự án đã hoàn tất thủ tục hồ sơ, khối lượng thực hiện, hoàn thành sẽ tăng nhanh trong các tháng cuối năm.

Tin cùng chuyên mục