Hợp đồng thiếu chặt chẽ, bệnh viện công bị đòi bồi thường

(BĐT) - Do không thực hiện đúng các thỏa thuận nêu trong hợp đồng, Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã bị 1 doanh nghiệp liên kết lắp đặt, khai thác thiết bị y tế đòi bồi thường. 
Theo Hợp đồng ký giữa Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên và Công ty TMT, máy CT Scanner do Công ty TMT đầu tư có giá 7 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Theo Hợp đồng ký giữa Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên và Công ty TMT, máy CT Scanner do Công ty TMT đầu tư có giá 7 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Sau quá trình thanh tra, Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều nội dung thiếu chặt chẽ trong Hợp đồng được ký kết giữa Bệnh viện và phía đối tác tư nhân.

Đòi bồi thường vì không thực hiện đúng hợp đồng

Theo Thanh tra Bộ Y tế, triển khai Đề án liên doanh, liên kết đối với 5 đơn vị sự nghiệp y tế thực hiện xã hội hóa tại tỉnh Kiên Giang, công tác xã hội hóa đã được 1 đơn vị sự nghiệp y tế là Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên triển khai. 4 đơn vị sự nghiệp y tế khác đang trong quá trình xin chủ trương.

Theo Hợp đồng số 01/HĐHT ngày 9/6/2016 ký giữa Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên và Công ty CP Xây dựng và Sản xuất thương mại vật tư y tế TMT Kiên Giang (dưới đây gọi tắt là Công ty TMT), máy CT Scanner do Công ty TMT đầu tư có nhãn hiệu là ACCESS DUAL do hãng Philips Healtheare của Mỹ sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc năm 2014. Giá trị đầu tư loại thiết bị này là 7 tỷ đồng.

Ngày 9/6/2014, Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên và đã ký Hợp đồng số 01/HĐHT nhưng hợp đồng này chưa được thực hiện. Tiếp đó, ngày 21/5/2015, hai bên có Biên bản họp về việc thay đổi công ty ký hợp đồng đầu tư trang bị, khai thác hệ thống máy CT Scanner đặt tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên và ký Hợp đồng số 001/HĐHT-TMT. Ngày 3/8/2015, hai bên tiếp tục có Biên bản đồng ý thay đổi hãng cung cấp thiết bị từ hãng Philips sang hãng Siemens AG, Medical Solutions của Đức (sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc). Hai bên có biên bản bàn giao vào ngày 7/1/2016 và bắt đầu đưa vào hoạt động từ ngày 11/3/2016. Thời hạn hợp đồng là 10 năm, với tỷ lệ phân chia lợi nhuận là Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên được hưởng 30%, còn Công ty TMT hưởng 70%.

Theo hợp đồng được ký kết giữa hai bên, giá áp dụng cho một ca chụp là 800.000 đồng, với công suất tối thiểu là 5 ca/ngày. Tuy nhiên, kết quả thực hiện từ ngày ký hợp đồng cho đến tháng 9/2016 tại Bệnh viện cho thấy, tổng cộng chỉ có 440 ca chụp (trung bình 3 ca/ngày), trong đó 100 ca chụp đầu tiên chỉ thực hiện thu 400.000 đồng/ca (không theo thỏa thuận là 800.000 đồng/ca). Như vậy, tổng số tiền thu được sau 6 tháng triển khai việc lắp đặt thiết bị máy CT Scanner do Công ty TMT đầu tư là 332,64 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được trả cho Công ty TMT.

Không chỉ chưa nhận được bất cứ khoản tiền nào, Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên còn bị phía đối tác tư nhân đòi bồi thường với số tiền tương đương giá thu trên số lượng bản chụp tối thiểu của 12 tháng. Lý do là vì số ca chụp không đạt công suất tối thiểu là 5 ca/ngày. Với công thức tính trong hợp đồng (12 tháng x 30 ngày x 5 bản chụp x 800.000 đồng), số tiền bồi thường thiệt hại mà Bệnh viện phải trả cho Công ty TMT là 1,44 tỷ đồng. 

Hợp đồng thiếu chặt chẽ

Thanh tra Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã 2 lần triệu tập Công ty TMT đến làm việc và yêu cầu làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của máy CT Scanner.
Qua thanh tra, Thanh tra Bộ Y tế chỉ ra nhiều nội dung thiếu chặt chẽ trong Đề án liên doanh, liên kết lắp đặt, khai thác thiết bị y tế chụp cắt lớp CT Scanner tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên và Hợp đồng ký kết giữa Bệnh viện và Công ty TMT. Cụ thể, trong cả Đề án và trong Hợp đồng đều không nêu chi tiết cấu hình kỹ thuật, trang thiết bị của từng loại máy trong hệ thống máy chụp CT Scanner hoàn chỉnh – tài sản đầu tư cho Đề án. Tại Đề án và hợp đồng cũng chưa thể hiện được giá trị tài sản của các bên tham gia; chưa đưa phần giá trị tài sản của Bệnh viện như mặt bằng, cơ sở phòng ốc, con người... vào Đề án. Đề án và Hợp đồng cũng không thể hiện rõ nguồn vật tư tiêu hao, phương án chi phí hóa chất, định mức sử dụng và đơn giá chi tiết. Biên bản bàn giao cũng không nêu cụ thể từng thiết bị trong hệ thống chụp CT Scanner.

Đáng chú ý, quyền và trách nhiệm của mỗi bên còn một số điểm chưa cụ thể. Giá trị đầu tư trong Hợp đồng có ghi “chi tiết tại Phụ lục đính kèm”, nhưng phần Phụ lục lại không thể hiện nội dung này.

Còn về phía Công ty TMT, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã 2 lần triệu tập đại diện Công ty đến làm việc và yêu cầu làm rõ nguồn gốc, xuất xứ của máy CT Scanner nhưng đại diện Công ty chỉ có mặt 1 lần. Tuy nhiên, trong lần làm việc này với Thanh tra Bộ Y tế, Công ty TMT đã không xuất trình được giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc mua của máy chụp cắt lớp (giấy phép nhập khẩu và tờ khai hải quan...).

Công ty CP Xây dựng thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu TMT có địa chỉ đăng ký tại số 1302/140 Nguyễn Văn Tạo, Ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Từ ngày 21/1/2015, Công ty đổi tên thành Công ty CP Xây dựng và Sản xuất thương mại vật tư y tế TMT Kiên Giang, có địa chỉ tại 501 Mạc Cửu, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Tin cùng chuyên mục