Khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018

(BĐT) - Sáng 4/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF 2018) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu.
Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018. Ảnh: Lê Tiên
Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018. Ảnh: Lê Tiên

Tham dự Diễn đàn có đại diện của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các nhóm công tác thuộc Diễn đàn, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, sau khi lắng nghe những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn.

Việt Nam có triển vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những thành công đáng khích lệ trong lĩnh vực đối thoại công tư, củng cố niềm tin về một Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đặt ra của cộng đồng doanh nghiệp, ngày càng trở thành một hình mẫu tốt, kinh nghiệm hay đối với các quốc gia muốn áp dụng.

Mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị cùng với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt các cấp, các ngành triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đã đề ra. Ước có trên 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD; xuất khẩu đạt xấp xỉ 240 tỷ USD... Đạt được kết quả đáng kể này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ghi nhận những kết quả này, ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, hoạt động thương mại đầu tư phát triển rất tích cực tại Việt Nam, tập trung vào sản xuất và phát triển bền vững. Cần hướng đầu tư sâu hơn, thu hút doanh nghiệp và liên kết như thế nào để giải quyết chính sách về đầu tư và tăng cường thiết chế.

Ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc Quốc gia cấp cao Việt Nam, Lào, Campuchia của Tổ chức Tài chính quốc tế nhận định, Việt Nam đang có triển vọng tăng trưởng kinh tế rất mạnh mẽ và thành công về đầu tư và thương mại. Diễn đàn VBF lần thứ 21 này là nền tảng thực tiễn quan trọng để đối thoại, đưa ra những giải pháp nâng cao kết quả đạt được và tận dụng những cơ hội phát triển. Thương mại thế giới thay đổi nhanh chóng, thách thức cần chuyển thành cơ hội, do đó cần tăng cường cơ hội hợp tác công tư.

Hiện có 3 cơ hội về hợp tác công tư. Đầu tiên, những kết quả đạt được về thương mại tự do thông qua các hiệp định CPTPP, EVFTA... đang mở ra cho Việt Nam nhiều cánh cửa phát triển, trở thành điểm đến được các nhà đầu tư lựa chọn. Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam có cơ hội hướng tới các nguồn năng lượng mới để giảm thấp phát thải khí carbon. Thứ ba là cơ hội nâng cao tính cạnh tranh, đảm bảo tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua việc liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Tổ chức Tài chính quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam để tăng cường cơ hội thành công trong thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Lê Tiên

Cần sự đồng hành của doanh nghiệp với Chính phủ

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức, sức ép lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn thấp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu...

Để khắc phục những tồn tại này, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ và quyết tâm đổi mới toàn diện nền kinh tế. Thứ nhất là kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản...

Thứ hai là đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, khu vực, ngành hàng sản xuất gắn với chú trọng thị trường đầu ra, phát triển đồng bộ cả thị trường nội địa và nước ngoài, nghiên cứu các giải pháp ứng phó chủ động, giảm tác động tiêu cực của tình hình thương mại thế giới.

Thứ ba là quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ, quan tâm đến rất nhiều khía cạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng doanh nghiệp trong các hành động, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn nâng tầm hoạt động cao hơn nữa, phát huy sự lan tỏa để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đồng hành cùng Chính phủ trong việc tham mưu, hoạch định những chính sách quan trọng của quốc gia, tham gia sâu hơn vào việc phản biện, xây dựng và thực thi pháp luật.

Những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn này hay trong bất kỳ hoạt động nào khác sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD) và nâng cao hơn nữa xếp hạng quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển các ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp hỗ trợ.

Để tập trung phân tích tìm các cách thức biến thách thức thành hành động và cơ hội, diễn đàn hôm nay sẽ trao đổi nhiều vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như: giải pháp thúc đẩy hơn nữa hợp tác công - tư, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng; hoàn thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ số; tăng cường khả năng cạnh tranh để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; một số kiến nghị trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp phát triển…

Tin cùng chuyên mục