Kiểm soát tín dụng: Thách thức tạo ra nhiều áp lực tốt

(BĐT) - Động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nói chung và lĩnh vực bất động sản (BĐS) nói riêng tuy là thách thức nhưng đang tạo ra nhiều áp lực tốt cho sự phát triển.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Kiểm soát chặt chẽ theo lộ trình

Từ ngày 2/8/2018, tức kể từ thời điểm Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018, đến nay, động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM) đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có lĩnh vực BĐS, bắt đầu có chiều hướng gia tăng.

Theo các nhà quan sát, nguồn vốn ngân hàng đang được tập trung mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, ngành công nghiệp hỗ trợ và DN công nghệ cao, bao gồm các DN khởi nghiệp. Riêng các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán, BOT và BT giao thông đã và sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Đáng lưu ý, trong các giải pháp được NHNN nhắc đến, sắp tới sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng (TCTD) có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực BĐS, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ... Nghĩa là, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm sẽ được kiểm tra, giám sát kỹ, nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, cũng như nguy cơ vi phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Tổng hợp thuộc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trước đó, tại TP.HCM, NHNN cũng đã thực hiện chủ trương kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực nóng với nhiều chính sách ràng buộc để siết cho vay BĐS như nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 150% lên 250%, hạ tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 45%... Nếu khoảng 10 năm trước tín dụng vào BĐS thường xuyên ở mức cao trên 30%, thì 3 năm trở lại đây đã giảm mạnh, ở mức khoảng 10%, là một minh chứng. 

Tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản

Thời gian vừa qua, các NHTM đã phòng ngừa rủi ro tín dụng BĐS và nợ xấu phát sinh khá hiệu quả bằng cách thống kê giá đất bình quân trong 3 - 4 năm gần đây để căn cứ vào đó cho vay khoảng 50% giá trị BĐS được thẩm định, thay vì 70 - 80% như trước. Ông Bùi Quang Tín, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho hay, con số dư nợ tín dụng BĐS cả nước vẫn được duy trì suốt 4 năm qua và đang trong mức an toàn. Tính riêng tại TP.HCM, hiện nợ xấu trong lĩnh vực cho vay BĐS ở mức thấp, chỉ từ 2 - 2,5%.

Chính nhờ lộ trình hạn chế tín dụng vào BĐS của NHNN nên Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới khuyến nghị các DN sớm thay đổi cơ cấu nguồn vốn đầu tư một cách tích cực hơn. Đây là một thách thức, nhưng thách thức này về lâu dài tạo ra một áp lực rất tốt cho thị trường BĐS.

HoREA cũng khuyến nghị các DN phải nhanh chóng tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của DN; coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS trong nước hùng mạnh.

Ngoài ra, DN có thể xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội, và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Đặc biệt, các DN cần nỗ lực để hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu DN, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu, và cao nhất là niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài. Cùng với đó, các DN lựa chọn đối tác là các DN, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị.

Tin cùng chuyên mục