Liên quân Mỹ - Hàn tập trận chung
Quân đội Hàn Quốc (ROKA) là lực lượng vũ trang lớn thứ hai trên bán đảo Triều Tiên, nhưng lại ít được nhắc tới như quân đội Mỹ hay Triều Tiên. Trên thực tế, ROKA đã phát triển từ lực lượng cảnh sát tiền chiến thành một đội quân có sức mạnh ngang ngửa hầu hết các nước phương Tây, theo National Interest.
ROKA được thành lập từ năm 1948, ban đầu chủ yếu là cảnh sát vũ trang, không quân chỉ có một số máy bay trinh sát hạng nhẹ và không thực sự có hải quân. Được vũ trang quá ít ỏi, ROKA không thể sánh được với quân đội Triều Tiên khi họ tràn qua giới tuyến vào tháng 6/1950. Chiến tranh Triều Tiên buộc Mỹ triển khai cố vấn và khí tài để xây dựng ROKA thành lực lượng có sức chiến đấu cao hơn.
Đến nay, lục quân Hàn Quốc là lực lượng lớn nhất trong ROKA, có vai trò quản lý giới tuyến phi quân sự (DMZ) dài 258 km chia cắt hai miền bán đảo Triều Tiên. Lực lượng này có quân số khoảng 495.000 người, lớn hơn cả lục quân Mỹ.
Lục quân Hàn Quốc chia thành 49 sư đoàn và 19 lữ đoàn độc lập, cùng 7 lữ đoàn đặc nhiệm, một tiểu đoàn biệt kích có khả năng triển khai chiến dịch riêng và một nhóm tác chiến hải ngoại. Hàn Quốc áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc để duy trì nhân lực với chí phí thấp. Mức lương mức trung bình cho một binh nhất là 100 USD/tháng, mỗi lính nghĩa vụ phải phục vụ trong 21 tháng liên tục.
Lục quân được cơ giới hóa cao với 2.400 xe tăng, 2.700 xe thiết giáp, 3.300 khẩu pháo và pháo phản lực phóng loạt, hơn 600 trực thăng trinh sát, tấn công và vận tải. Hầu hết khí tài của ROKA đều do Mỹ sản xuất, nhưng số lượng sản phẩm nội địa ngày càng tăng, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực K-2 Black Panther, xe chiến đấu bộ binh K21 và pháo tự hành K-9 Thunder.
Dù chỉ có quân số bằng một nửa Triều Tiên, lục quân Hàn Quốc được vũ trang và trang bị tốt hơn hẳn, khiến Triều Tiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn một lần nữa vượt qua phòng tuyến Hàn Quốc. Đây được coi là lý do Bình Nhưỡng phải tập trung vào chiến lược đột kích tập hậu khắp chiến trường, khiến đối phương rối loạn, mất cân bằng.
Lực lượng lớn thứ hai của ROKA là hải quân với 70.000 binh sỹ. Là quốc gia có truyền thống hàng hải, hải quân Hàn Quốc đáng ra là lực lượng đông đảo nhất, nhưng mối đe dọa trên bộ từ Triều Tiên đã khiến lục quân được ưu tiên phát triển hơn.
Tàu khu trục Sejong Đại đế của Hàn Quốc. Ảnh:Wikipedia.
Hải quân Hàn Quốc có 12 tàu khu trục, bao gồm 3 chiếc thuộc lớp Sejong Đại đế. Mỗi chiếc được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis và 128 ống phóng tên lửa phóng thẳng đứng, nhiều hơn cả lớp Arleigh Burke của Mỹ. Loại tàu này có thể được bổ sung khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo nhờ gói nâng cấp hệ thống Aegis sắp tới.
Niềm tự hào của hải quân Hàn Quốc là tàu đổ bộ lớp Dokdo, được ví như một tàu sân bay hạng nhẹ. Bên cạnh đó, họ còn sở hữu 13 tàu hộ vệ có khả năng thực hiện nhiệm vụ khắp thế giới cùng hàng chục tàu tuần tra cỡ nhỏ.
Hàn Quốc còn có lực lượng thủy quân lục chiến thuộc biên chế của hải quân. Thủy quân lục chiến Hàn Quốc có 29.000 lính, chia làm hai sư đoàn đổ bộ và 9 lữ đoàn độc lập. Họ không chỉ chịu trách nhiệm đổ bộ mà còn tác chiến chống đổ bộ tại các hòn đảo quanh giới tuyến phía bắc.
Hải quân Hàn Quốc có ít tàu chiến hơn Triều Tiên, nhưng các tàu chiến này đều có kích thước lớn hơn và sở hữu tính năng vượt trội. Các chuyên gia cho rằng nếu nổ ra chiến tranh trên biển, hải quân Hàn Quốc sẽ nhanh chóng đánh bại Triều Tiên.
Tuy nhiên, hạm đội tàu ngầm của Bình Nhưỡng vẫn có thể gây thiệt hại nặng cho đối phương, điển hình như vụ tàu hộ vệ Cheonan bị một tàu ngầm nhỏ của Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm năm 2010.
Không quân Hàn Quốc có quy mô nhỏ nhất trong ba quân chủng. Chỉ có 65.000 binh sĩ, nhưng lực lượng này sở hữu dàn khí tài vượt trội với 60 tiêm kích hạng nặng F-15K, 118 tiêm kích hạng nhẹ KF-16 và 60 máy bay huấn luyện siêu âm T-50 Golden Eagle. Seoul đã đặt mua 40 tiêm kích tàng hình F-35A và đang thúc đẩy dự án tiêm kích nội địa đầu tiên mang tên KF-X.
Không quân Hàn Quốc cũng có số lượng máy bay hỗ trợ đáng kể, gồm 4 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-7A "Peace Eye" cùng hai chiếc đang đặt hàng, 8 phi cơ trinh sát tín hiệu (SIGINT) RC-800 và 4 máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk.
Tiêm kích đa năng F-15K của không quân Hàn Quốc. Ảnh:Flickr.
Hàn Quốc không có máy bay tiếp dầu, nhưng khoảng cách chiến trường ngắn khiến hầu hết các nhiệm vụ có thể được hoàn thành mà không cần chúng. Nếu cấp thiết, không quân Hàn Quốc có thể trông cậy vào phi đội máy bay tiếp dầu của Mỹ.
Không quân Hàn Quốc được cho là đủ khả năng đánh bại hàng trăm máy bay các loại của Triều Tiên. Họ còn đảm nhận trách nhiệm săn lùng pháo binh đối phương, cũng như yểm trợ hỏa lực tầm gần cho lực lượng mặt đất.
Quân đội Hàn Quốc có quy mô nhỏ hơn Triều Tiên, nhưng nhìn chung lực lượng này có sức mạnh vượt trội hơn nhiều. Đây được cho là một trong những lá chắn khiến Triều Tiên không thể tấn công Hàn Quốc trong một cuộc chiến quy ước, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami khẳng định.