Lai Châu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luậncủa Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu.
Một góc thành phố Lai Châu
Một góc thành phố Lai Châu

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh Lai Châu cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Mở rộng thâm canh tăng vụ, nghiên cứu, phát triển một số cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm chè, cao su; tập trung khoanh nuôi, tái sinh, trồng và bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng.

Đồng thời tập trung phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp theo quy hoạch, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong đó có các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có lợi thế về nguyên liệu. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà nòng cốt là hợp tác xã và doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, thu hút nguồn nhân lực có trình độ, nghiên cứu xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghệ sau thu hoạch, chế biến nông sản; tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại.

Bên cạnh đó cần tìm, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược nhằm khai thác, chế biến sâu các mỏ đất hiếm lớn của Tỉnh. Đây là loại khoáng sản chiến lược của các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất máy tính, linh kiện máy tính, điện thoại di động, các thiết bị ngành thông tin. Việc thu hút thành công nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp Tỉnh phát triển nhanh, tăng thu ngân sách, tạo việc làm đều tăng mạnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường quản lý, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; tăng cường quảng bá, xúc tiến, phát triển các loại hình du lịch. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chỉ số giáo dục ở tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục có các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc và miền núi theo hướng lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, nhất là các chính sách về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo cơ hội tốt để vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ dịch vụ, phúc lợi xã hội.

Tỉnh Lai Châu cũng cần chú trọng công tác cải cách hành chính, tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc tham nhũng, lãng phí, buôn lậu và gian lận thương mại. Làm tốt công tác phòng chống tội phạm, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.

Tin cùng chuyên mục