Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM 3) và các cuộc họp liên quan đang diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh, việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, nhất là các Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do (RTA/FTA) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một trong những nội dung quan trọng được các nền kinh tế thành viên quan tâm. Cũng trong xu hướng đó, Việt Nam đang nỗ lực cải cách, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế để tận dụng lợi ích từ các RTA/FTA mang lại.
* Tăng trưởng kinh tế nhờ FTA
Bên lề Đối thoại của APEC về các Hiệp định Thương mại khu vực và Hiệp định Thương mại tự do (RTA/FTA) trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 27/8, các chuyên gia cho rằng, việc hình thành RTA/FTA đã và đang có ý nghĩa rất lớn đối với các nền kinh tế thành viên của APEC, trong đó có Việt Nam.
Chỉ tính riêng nội khối APEC, nhờ tác động từ các RTA/FTA đã tạo động lực mới cho sự tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực. Giao dịch thương mại nội khối của APEC đã tăng trưởng 174% trong giai đoạn năm 2000 - 2016, từ 2.300 tỷ USD lên 6.300 tỷ USD.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, trong thời gian qua, việc hình thành các RTA/FTA trên thế giới phát triển rất mạnh mẽ và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam coi việc tiếp cận thị trường các nước là nội dung rất quan trọng để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Từ định hướng đó, nhiều FTA quan trọng đã được Việt Nam đàm phán, ký kết với các nước cũng như khu vực.
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện Việt Nam có 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực, chủ yếu là các FTA đa phương trong khuôn khổ ASEAN, hoặc ASEAN và các đối tác; nhưng cũng có các FTA song phương và khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 2 FTA rất quan trọng là FTA giữa Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, Việt Nam hiện cũng đang trong quá trình đàm phán 4 FTA khác.
Các chuyên gia nhận định, trong thời gian qua, Việt Nam là một nền kinh tế tham gia rất tích cực vào đàm phán FTA ở trong khu vực APEC. Điều này chứng tỏ Chính phủ Việt Nam hoàn toàn hiểu những lợi ích mà FTA mang lại cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trên cơ sở những quy định chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và lợi ích từ các FTA, các doanh nghiệp Việt đã có thể thực hiện đàm phán và ký kết những hợp đông thương mại thế hệ mới có phạm vi hoạt động thuơng mại lớn hơn rất nhiều so với trước đây.
Ông Robert Holleyman, Tổng Giám đốc điều hành của C&M International (Mỹ), nguyên Phó Đại diện thương mại Hoa Kỳ cho rằng, kể từ khi các FTA mà Việt Nam ký kết với các đối tác có hiệu lực đã giúp các nhà xuất khẩu trong nước “vươn xa” trên khắp thế giới một cách dễ dàng hơn. Điều này làm tăng khả năng tăng trưởng, tạo việc làm và mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam.
* Tận dụng các lợi ích
Mặc dù các RTA/FTA đã và đang mang lại nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng đi kèm đó là những thách thức không nhỏ. Theo các chuyên gia, nền kinh tế thế giới mặc dù đang phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro. Nhiều nền kinh tế vẫn ưu tiên vào thúc đẩy kinh tế bản địa nên đã sử dụng công cụ thuế quan lẫn phi thuế quan để bảo hộ kinh tế trong nước.
Điều này khiến cho những nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường nhằm mục tiêu tăng trưởng chung đã bị chậm lại trong thời gian qua. Đây là thách thức rất lớn mà Việt Nam cũng như một số nền kinh tế APEC đang phải đối mặt trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, việc làm thế nào để tối đa hóa lợi ích từ các RTA/FTA là một trong những nội dung thảo luận quan trọng của các trưởng SOM APEC, diễn giả, đại biểu tại buổi đối thoại hôm nay.
Trao đổi với phóng viên, bà Marie Sherylyn D.Aquia, Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Đầu tư của APEC (CTI) cho rằng, trước khi đàm phán, Chính phủ nên thông tin đầy đủ tới cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, tham khảo ý kiến với nhau để xác định phương hướng đàm phán. Trong quá trình đàm phán cũng cần có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, phải hiểu được yêu cầu của doanh nghiệp để xây dựng các chiến lược.
“Một nền kinh tế mở mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Khi một RTA/FTA được đàm phán, ký kết, các doanh nghiệp cần được thông tin cụ thể về những ưu đãi, lợi ích mà các hiệp định này mang lại để họ có thể chuẩn bị, đáp ứng được những yêu cầu cần thiết khi giao thương”, bà Marie Sherylyn D.Aquia chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, ông David HSU - Phó Cục trưởng Cục Ngoại thương, Bộ Kinh tế của Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, các RTA/FTA cũng đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn, buộc nước tham gia phải có sự hy sinh và điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Điều này giải thích tại sao trước khi đàm phán, Chính phủ và doanh nghiệp cần phối hợp tốt với nhau để đưa ra những thỏa thuận có lợi nhất cho đất nước mình, nhưng cũng đảm bảo lợi ích của các đối tác.
Theo ông David HSU, mặc dù Việt Nam có nhiều thế mạnh nhưng cũng có những hạn chế nhất định khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa thực sự mạnh. Đó là công nghệ thấp, khả năng cung cấp cho thị trường cao cấp chưa cao… đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa thị trường hơn nữa, nhất là trong những ngành như nông nghiệp, chế biến, nguyên vật liệu sản xuất…
Tại buổi Đối thoại của APEC về các RTA/FTA trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nền kinh tế thành viên APEC đã tiến hành chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận chính sách về đàm phán RTA/FTA; đánh giá tác động của các FTA mang lại; chia sẻ kinh nghiệm để tối ưu các lợi ích kinh tế, xã hội từ các FTA... Đây được xem là một trong những nguồn thông tin quan trọng để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh sự đóng góp của các FTA vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.