Năm 2019 đặt mục tiêu cao và quyết liệt thực thi

(BĐT) - Tình hình kinh tế - xã hội của 11 tháng đầu năm nay đã đạt kết quả rất tích cực, môi trường kinh doanh cải thiện rõ nét. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về nội dung Nghị quyết 01/2019 với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa theo phương châm giữ kỷ cương, liêm chính và hành động. Đó là nội dung đáng chú ý tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.
Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 có thể cao hơn so với mục tiêu được Quốc hội giao và mục tiêu tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 có thể cao hơn so với mục tiêu được Quốc hội giao và mục tiêu tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Lạc quan với năm 2018, phấn đấu cao nhất năm 2019

Tại buổi họp báo ngày 3/12/2018, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với khẳng định, năm 2018, Chính phủ đã chủ động trong công tác điều hành và kiểm soát chặt tình hình kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nước ta sẽ hoàn thành và hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiều chỉ tiêu có thể cao hơn so với mục tiêu đã được Quốc hội giao và mục tiêu tại Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ.

Bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tích cực, nền kinh tế cũng chứng kiến sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan, đến nay, đã cắt giảm được 6.676 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành, vượt chỉ tiêu đặt ra, tiết kiệm được hơn 11,642 triệu ngày công, tương ứng 5.407 tỷ đồng.

Về điều kiện kinh doanh, đã cắt giảm được 3.346 điều kiện kinh doanh trong tổng số hơn 6.190 điều kiện kinh doanh, vượt 8,1% mức Chính phủ giao, tiết kiệm được 5.847.925 ngày công, tương đương 872,2 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là những con số ấn tượng và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tích cực lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành và các doanh nghiệp về các kiến nghị, giải pháp để cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.

“Tình hình sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế rất khả quan, niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội đều được cải thiện”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét.

Về nhiệm vụ và giải pháp của năm 2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, các thành viên Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về nội dung của Nghị quyết 01/2019 với yêu cầu cao về việc phải tăng tốc và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, theo phương châm là giữ kỷ cương, liêm chính và hành động. Bên cạnh đó, nghị quyết này sẽ đặt ra những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong tháng 12 năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.

“Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ tinh thần hành động của năm 2019 là không chủ quan và kiên định các mục tiêu đặt ra, đồng thời, các bộ, ngành liên quan cùng chung tay quyết tâm thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ. Liên quan đến việc thực thi, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần khắc phục tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” trong quá trình triển khai các yêu cầu của Chính phủ, đặc biệt chú trọng các vấn đề đã được đặt ra tại Hội nghị Trung ương Đảng và các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm”, ông Mai Tiến Dũng truyền đạt. 

Năm 2019, không để thiếu điện

Liên quan đến tình hình sản xuất, kinh doanh với khả năng cung ứng điện cho nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc việc không điều chỉnh tăng giá điện, không xem xét trường hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất tăng giá điện.

Về kế hoạch cung ứng điện năm 2019, ông Hải thông tin, kịch bản cung ứng điện sẽ thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện của Thủ tướng Chính phủ với kế hoạch cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành. Theo đó, 4 kịch bản cung ứng điện được đặt ra theo các mức phụ tải đã tính toán. Từ đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét kỹ để đưa ra các kịch bản về giá bán điện, xem xét tác động của giá điện với nền kinh tế.

“Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra kỹ các phương án giá này, phối hợp với Tổng cục Thống kê để tính toán tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và các ngành hàng, các hộ kinh doanh, hộ gia đình. Kịch bản điều hành giá điện năm 2019 sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này”, ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ và thông tin thêm: “Từ đầu tháng 10 năm nay, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch cung ứng điện năm 2019 trên cơ sở tình trạng cung ứng nước của các hồ thuỷ điện. Tất cả các phương án cung ứng điện được đưa ra đều bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trong một số trường hợp, có thể phải huy động thêm nguồn điện từ dầu, song chắc chắn đảm bảo đủ điện trong năm 2019”.

Tin cùng chuyên mục