Năm 2021 sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều ngày 12/1/2021, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra.
Năm 2021 sẽ tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó tổng TTCP cho biết, trong năm 2016 - 2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 34.091 cuộc thanh tra hành chính và trên 1.175.944 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 433.671 tỷ đồng, 84.472 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi 227.674 tỷ đồng, 8.942 ha đất; xử lý khác hơn 205.997 tỷ đồng, 75.530 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 10.022 tập thể, 485 cá nhân; ban hành 633.370 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 25.759 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 491 vụ, 701 đối tượng. So với giai đoạn trước, số tiền phát hiện vi phạm tăng 134%, số tiền kiến nghị thu hồi tăng 83,4%, tỷ lệ thu hồi về tiền tăng trên 5,7 lần, số vụ việc và số đối tượng chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý tăng lần lượt là 56,9% và 92,1%.

Trong số đó, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TTCP đã tiến hành thanh tra, phát hiện sai phạm, kiến nghị xử lý quyết liệt, đúng pháp luật nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó, có vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng, như vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn; các dự án, gói thầu liên quan đến Đinh Ngọc Hệ; Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II; Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2...

Theo ông Lê Minh Khái - Tổng TTCP, trong giai đoạn 2016 - 2020, thông qua hoạt động thanh tra, ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng cả trong phòng ngừa tham nhũng và trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Một mặt đã phát hiện, kiến nghị hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật còn sơ hở, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, là cơ hội để phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; mặt khác, đã kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm.

Hàng năm, TTCP xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai định hướng chương trình thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm chồng chéo, hạn chế phát sinh phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; chú trọng vào trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, những lĩnh vực “nóng”, dễ phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, có nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo như: quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua sắm tài sản công,... trên tinh thần quyết liệt, sai đến đâu kiến nghị xử lý tới đó, áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn vi phạm, thu hồi thiệt hại gây ra cho xã hội, nhà nước, cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Trong năm 2021, TTCP và thanh tra bộ ngành sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra; tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương. Hoạt động thanh tra chuyên ngành chú trọng thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về kỹ thuật, quy tắc quản lý nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Cùng với đó, TTCP sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thực hiện kết luận thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng và đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan nội chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Tin cùng chuyên mục