Robot Rosa phẫu thuật thần kinh trong một lần được sử dụng năm 2017. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai |
Gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới nâng khống giá thiết bị y tế với giá chênh rất lớn so với giá kê khai hải quan. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Việc thông tin giá máy thấp nhưng khi mua bán định giá cao và số chênh lệch được cộng trừ một cách cơ học bằng cách lấy giá bán trên hợp đồng trừ đi giá khai báo hải quan (hoặc cộng thêm chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ) như trường hợp máy thở Realtime PCR tại CDC Hà Nội hay robot hỗ trợ mổ sọ não Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai là cách hiểu chưa đúng về giá thành và giá bán hàng hóa (tài sản) của doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế thị trường.
Ông Ngô Gia Cường |
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/2/2014 của Bộ Tài chính, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ để xác định giá vốn nhập khẩu là giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (giá CIF) + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + các khoản thuế, phí khác phát sinh tại khâu nhập khẩu (nếu có) + các khoản chi bằng tiền khác theo quy định (nếu có).
Như vậy, giá kê khai nhập khẩu hải quan mới chỉ là một phần trong giá vốn nhập khẩu. Ngoài ra, DN nhập khẩu còn rất nhiều khoản chi khác như: chi phí tài chính; chi phí vận chuyển, lưu kho bãi; chi phí quản lý chung; chi phí bán hàng để hình thành nên giá thành toàn bộ, lợi nhuận định mức của bên bán...
Tuy nhiên, đó mới chỉ là yếu tố chủ quan trong hoạt động định giá. Yếu tố khách quan tác động đến giá bán còn được điều tiết thêm là quan hệ cung cầu của thị trường. Đây là yếu tố tác động không nhỏ đến giá bán của hàng hoá tại từng thời điểm (tính mùa vụ, trào lưu xã hội, tính khan hiếm bất thường do cầu tăng đột ngột…).
Theo ông, trách nhiệm của đơn vị tư vấn thẩm định giá như thế nào trong những vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế xảy ra thời gian qua?
Nghề thẩm định giá (TĐG) là nghề có nhiều rủi ro nhất trong các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, nhất là trong lĩnh vực thiết bị y tế do tính đặc thù công nghệ, độc quyền.
Thực tế cho thấy, thị trường mua sắm công thiết bị y tế lâu nay tại Việt Nam gần như độc quyền, chỉ có 1 người mua và 1 người bán. Khi xây dựng tiêu chí kỹ thuật của hàng hóa cần mua sắm, người mua có thể đã chỉ định sẵn đơn vị trúng thầu thông qua các hàng rào kỹ thuật. Giá trúng thầu sẽ bao gồm cả các chi phí từ khâu khảo sát thiết kế lập dự toán (tổng mức đầu tư) của dự án, các chi phí khác trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu… Từ đó, DN TĐG, thẩm định viên (TĐV) về giá sẽ được người mua đề nghị thực hiện theo đề bài định sẵn này.
Việc độc quyền dẫn đến hạn chế thông tin thị trường, bên cung cấp được hãng chỉ định độc quyền cung cấp vào dự án, mỗi khi có yêu cầu báo giá thì thông tin này có thể đã bị khống chế, làm giá qua hệ thống phân phối loại thiết bị này. Việc khảo sát thị trường của TĐV khó thoát khỏi bẫy vô hình đã giăng ra.
Theo tiêu chuẩn TĐG, nếu không tìm được thông tin mua bán đúng loại thiết bị cần TĐG trên thị trường, TĐV có thể sử dụng thiết bị tương đồng về công năng, nhưng do đặc thù về phát triển công nghệ và/hoặc các thiết bị y tế có công năng phức tạp dẫn đến TĐV không đủ kiến thức, trình độ đánh giá, điều chỉnh mức độ chênh lệch để quy về thiết bị cần TĐG.
Nếu TĐV về giá đủ trình độ, giữ được tiếng nói độc lập và dám từ chối hợp thức hóa cho việc mua sắm này có nghĩa là DN TĐG sẽ mất khách hàng, đặc biệt là khách hàng truyền thống, dẫn đến việc tạo áp lực từ phía DN TĐG lên TĐV, chưa nói đến sự cám dỗ, lòng tham dẫn đến TĐV chủ ý thông đồng với bên mua và bên bán.
Do đó, vấn đề đặt ra đầu tiên ở đây là cần công khai, minh bạch thông tin và kiểm soát chặt việc xây dựng hồ sơ mời thầu. Càng có nhiều nhà cung cấp cùng tham gia đấu thầu cạnh tranh thì giá cả sẽ càng sát với thực tế.
Một yếu tố rủi ro nữa, thiết bị y tế là sản phẩm công nghệ, nên không có sản phẩm tương đồng để so sánh hoặc giá cả không được minh bạch, công khai đầy đủ... Giá trang thiết bị y tế còn tùy thuộc vào thời điểm, điều kiện thương mại như trả ngay hay trả chậm, trả góp, bổ sung thêm các tính năng khác... và bị mất giá rất nhanh khi có sản phẩm cạnh tranh.
Lời khuyên nào đối với đơn vị tư vấn thẩm định giá để hạn chế những rủi ro nêu trên, thưa ông?
Lời khuyên cho các đơn vị tư vấn TĐG là nên tự bảo vệ mình trước những rủi ro. Chứng thư TĐG là sản phẩm cuối cùng, là thông tin tóm tắt từ báo cáo TĐG. Do đó, không nên coi thường báo cáo TĐG mà bỏ qua, vì đó là tấm khiên cuối cùng để bảo vệ chính mình, chứng minh sự độc lập và tính khách quan. Báo cáo TĐG mô tả chi tiết quá trình khảo sát và TĐG, nên phải thể hiện càng chi tiết càng tốt, trong đó cần nêu rõ các trường hợp loại trừ, lưu ý, hạn chế hay giả thiết nhận biết được trong quá trình thu thập thông tin để các bên liên quan có thể xác định mức độ tin cậy của kết quả TĐG, quyết định mức giá phù hợp với mục đích TĐG.
Cùng với đó, mỗi DN TĐG cần xây dựng một quy trình TĐG riêng dựa trên những tiêu chuẩn chung của Nhà nước để quản trị rủi ro, hạn chế tối đa những hành vi vi phạm của TĐV làm ảnh hưởng đến uy tín của DN.