Ngân hàng cho vay ròng 253.000 tỷ đồng tháng cuối năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
So với số dư nợ tín dụng cấp mới trong tháng 11/2021, số tiền các ngân hàng bơm ròng ra thị trường qua kênh cho vay trong tháng 12 tăng tới 38%, tương đương gần 70.000 tỷ đồng.

Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ ngày 10/1 đến 14/1, trong đó ghi nhận số liệu biến động trên thị trường tiền tệ tháng cuối cùng của năm 2021 và nửa đầu tháng 1/2022.

Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tương đối mạnh trong những ngày cuối cùng của tháng 12/2021. Tính đến cuối tháng 12, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt 10,4 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2020.

Diễn biến này tương tự với cuối năm 2020 khi tín dụng tăng tốc trong giai đoạn cuối năm. Chỉ tính trong tháng 12 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã bơm ròng 253.000 tỷ đồng ra nền kinh tế qua kênh cho vay, tăng 38% so với tổng mức cấp tín dụng mới trong tháng 11/2021

Năm nay, tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra ở mức 14% và cơ quan quản lý sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1%/năm trong giai đoạn 2022-2023.

Tuy nhiên, NHNN định hướng dòng vốn từ các tổ chức tín dụng sẽ tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực khó khăn do dịch bệnh như du lịch, vận tải, lưu trú…

Trong khi đó, dòng vốn tín dụng vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… sẽ được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021.

Trong tuần vừa qua, nghiệp vụ thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch mới và không còn khối lượng tín phiếu lưu hành trên kênh này. Đây đã là tuần thứ 2 liên tiếp cơ quan quản lý tiền tệ không bơm tiền qua kênh tín phiếu, sau tuần bơm ròng 10.540 tỷ đồng (lãi suất 2,5%/năm) trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021.

Tuy nhiên, dữ liệu từ SSI Research ghi nhận thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã phần nào ổn định hơn, lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm đã giảm 0,02 điểm % vào cuối tuần trước, xuống còn 1,13%/năm.

Ngược lại, lãi suất kỳ hạn dài có xu hướng tăng 0,04-0,08 điểm %. Điều này phản ánh kỳ vọng diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng trong thời gian tới khi thị trường bước vào giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên đán 2022.

Mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022.

Trong đó, Thống đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc NHNN và ngân hàng thương mại thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thống đốc cũng cho biết cơ quan quản lý sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2022 bình quân khoảng 4%, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại không nới lỏng các điều kiện cho vay, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục