Ngân hàng thực hiện vai trò “bà đỡ” doanh nghiệp

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện hệ thống pháp lý để các tổ chức tín dụng có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần nêu rõ tiêu chí thực hiện để vừa đảm bảo công bằng với doanh nghiệp thụ hưởng, vừa tránh rủi ro chính sách đối với các ngân hàng.
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cam kết hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cam kết hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Khẩn trương rà soát và xây dựng chính sách

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể khiến nhiều khách hàng vay nợ của các tổ chức tín dụng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, theo báo cáo của 23 tổ chức tín dụng, ước tính khoảng 926 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Một số ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, các tổ chức tín dụng đã cam kết hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới; miễn, giảm các loại phí; triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...

Cơ quan này cũng đang phối hợp với bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Dự thảo Thông tư, tổ chức tín dụng sẽ hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về: tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ.

Tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng dẫn tại văn bản này, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Làm rõ tiêu chí để tránh rủi ro thực thi chính sách

Phản hồi nội dung này tại Dự thảo Thông tư, đại diện một số ngân hàng cho rằng, để chính sách này hiệu quả thì Thông tư cần sớm được ban hành. Tuy nhiên, nội dung văn bản này cần làm rõ tiêu chí hoặc khung tiêu chí để các ngân hàng thực hiện thay vì yêu cầu tổ chức tín dụng tự quy định cụ thể các nội dung tiêu chí như tại Dự thảo Thông tư.

“Nếu để các tổ chức tín dụng tự quy định thì mỗi tổ chức sẽ quy định một kiểu khiến khách hàng thắc mắc. Đặc biệt, khi thanh tra hoặc kiểm toán vào làm việc mà không có căn cứ cụ thể thì các tổ chức tín dụng có thể chịu rủi ro khi thực thi chính sách”, đại diện một ngân hàng thương mại nêu quan điểm.

Chia sẻ về chính sách này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, trước hết cần xác định rõ từng lĩnh vực chịu tác động, ước tính mức độ tác động. Tiếp đó, các ngân hàng phải làm việc rõ với từng khách hàng để xem mức độ chịu tác động của doanh nghiệp, từ đó mới có cách hỗ trợ công bằng và hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần xác định công cụ cần thiết có thể sử dụng để hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, có thể tính đến các chính sách hỗ trợ thanh khoản qua cho vay tái cấp vốn với các tổ chức tín dụng này.

Mặt khác, theo ông Lực, cũng cần cân nhắc những vấn đề hậu hỗ trợ. Chẳng hạn, giảm hình sự hóa các quan hệ kinh tế trong trường hợp phát sinh vi phạm do rủi ro trong thực thi chính sách. Do đó, cần có các tiêu chí cụ thể về các điều kiện, trường hợp được hỗ trợ và giám sát thực hiện thường xuyên để các tổ chức tín dụng không bị rơi vào tình trạng “xét thấy làm đúng mà vẫn bị quy là không hiệu quả và bị chế tài vi phạm thì nhiều ngân hàng sẽ không dám làm”.

“Quá trình làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại để đưa ra một chính sách đúng và trúng là cần thiết, song không nên kéo dài quá, cần sớm ban hành và thực thi để các doanh nghiệp sớm thụ hưởng chính sách và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh”, ông Lực nói.

Tin cùng chuyên mục