Ngân hàng vẫn chật vật với nợ xấu

Nợ xấu của các ngân hàng đang trên xu hướng tăng cao trong 6 tháng đầu năm, có nhà băng tỷ lệ vượt 5% tổng dư nợ.
Nợ xấu một số ngân hàng tăng cao.
Nợ xấu một số ngân hàng tăng cao.

Báo cáo tài chính cuối quý II/2016 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy nợ xấu tăng ở hầu hết các nhà băng. Thống kê tại 9 ngân hàng thương mại đang niêm yết trên thị trường đến cuối tháng 6/2016 cho thấy các nhà băng này đang mang hơn 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 28% so với mức 33.868 tỷ đồng cuối năm 2015.

Trong đó, xét về tỷ lệ thì Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là nhà băng có nợ xấu tăng cao nhất. Nợ xấu của ngân hàng này từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016 (tương đương hơn 4.200 tỷ đồng).

Kế tiếp là Sacombank - ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, với nợ xấu tăng mạnh từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83%.

Còn nếu tính theo giá trị nợ tuyệt đối thì hiện nay các "ông lớn" khối quốc doanh đang dẫn đầu. Nhiều nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi nợ xấu cuối tháng 6/2016 chạm 13.184 tỷ đồng (tương đương 2%), so với con số hơn 10.000 tỷ đồng cuối năm 2015, tức tăng thêm 3.000 tỷ đồng.

Với Vietcombank, dù nợ xấu xét về tỷ lệ đã giảm từ mức 1,8% cuối năm ngoái xuống 1,7% nhưng số tuyệt đối lại tăng từ mức 7.136 tỷ đồng lên 7.470 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 4.676 tỷ đồng. Tương tự, nợ xấu tại Vietinbank tăng từ 4.911 tỷ đồng lên 5.366 tỷ đồng dù tỷ lệ nợ xấu ở nhà băng này vẫn duy trì ở mức 0,9%.

Lý giải về nguyên nhân khiến nợ xấu tăng vọt, lãnh đạo Eximbank cho rằng, do ngân hàng đang trong quá trình xử lý các tồn đọng trong quá khứ và đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc bộ máy cũng như hoạt động kinh doanh nên khó tránh được nợ xấu tăng.

Một chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến không ít ngân hàng lớn có con số nợ xấu cao là do xuất phát từ Quyết định 780 năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Từ đó, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và nay thì nó trở thành nợ xấu.

Ông cũng phân tích thêm, để giảm nợ xấu, trước giờ ngân hàng thường áp dụng hai cách. Một là, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức tín dụng (VAMC), cách này được các ngân hàng áp dụng nhiều. Hai là tăng mạnh dư nợ tín dụng để tỷ lệ nợ xấu giảm. Tuy nhiên, thời gian qua, hai cách này có vẻ dần mất tác dụng bởi VAMC nửa năm nay có dấu hiệu giảm tốc việc mua nợ mới để lo tập trung xử lý số nợ cũ. Trong khi đó, ngân hàng cũng khó tăng mạnh dư nợ trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, theo vị này, nguyên nhân khác có thể là do sự ghi nhận nợ xấu hiện nay thực chất hơn, hạch toán nợ gần với chuẩn quốc tế hơn. Mặc dù vậy, ông nhìn nhận việc nợ xấu tăng lên hàng nghìn tỷ sau 6 tháng đầu năm là đáng lo ngại. Trước hết là nó khiến các ngân hàng "đau đầu" vì lo ảnh hưởng đến lợi nhuận. Nợ xấu tăng sẽ đòi hỏi trích dự phòng của các ngân hàng cao, dẫn đến kết quả kinh doanh còn lại sau dự phòng sẽ sụt giảm.

Điều quan ngại hơn, một khi "cục máu đông nợ xấu" quá lớn sẽ khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì nó sẽ làm cho mạch máu liên quan đến dòng vốn bị tắc nghẽn.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết, trước tình hình nợ xấu ở một số ngân hàng trên địa bàn thành phố tăng mạnh 6 tháng đầu năm (tăng trên 3% so với mục tiêu đặt ra, thậm chí có nơi tăng trên 5%), cơ quan này đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo cụ thể và đề xuất phương án giải quyết lên Ngân hàng Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục