Ngán ngẩm trước “mê cung” thủ tục

(BĐT) - Thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện đang rải rác tại nhiều luật, trong đó rất nhiều thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn, mỗi văn bản quy định một khác. Ma trận thủ tục này dẫn đến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai, nhà đầu tư thì loay hoay như rơi vào mê cung, không biết phải làm thủ tục nào trước thủ tục nào sau, theo luật nào cho đúng...
Không ít địa phương lúng túng trong triển khai đầu tư các dự án có sử dụng đất vì hệ thống thủ tục còn nhiều chồng chéo. Ảnh: Lê Tiên
Không ít địa phương lúng túng trong triển khai đầu tư các dự án có sử dụng đất vì hệ thống thủ tục còn nhiều chồng chéo. Ảnh: Lê Tiên

Mỗi luật một kiểu 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định về thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất hiện được điều chỉnh bởi nhiều luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu. Sự chồng chéo diễn ra ở nhiều thủ tục, từ giai đoạn hình thành dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng.

Có thể kể đến như thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư. Sự không tương thích trong quy định giữa các luật đã dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, gây lúng túng cho các nhà đầu tư. Có địa phương thực hiện thủ tục giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, có địa phương lại thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, có địa phương lồng ghép thủ tục giới thiệu địa điểm thực hiện dự án vào thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.

Thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất cũng không thống nhất về thời điểm thẩm định giữa các văn bản thi hành pháp luật, nên việc triển khai thực hiện nội dung này không thống nhất giữa các địa phương. Mặt khác, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định nội dung này, nên các yêu cầu ở các địa phương khác nhau gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Thủ tục đánh giá tác động môi trường thì không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường. Luật Đầu tư đã đơn giản hóa theo hướng trong thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn theo Luật Bảo vệ môi trường thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.

Cần thủ tục minh bạch, rõ thứ tự thực hiện

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất chưa quy định rõ loạt đất nào (đất đã giải phóng mặt bằng hay chưa; đất giao, thuê hay nhận chuyển nhượng; đất của Nhà nước hay của cá nhân, tổ chức sử dụng đất), các dự án loại nào (lựa chọn nhà đầu tư hay chỉ định nhà đầu tư) phải đấu giá, đấu thầu và quyết định chủ trương đầu tư, cho nên các địa phương lúng túng trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Thực tiễn thi hành do sự không thống nhất giữa các quy định nên có tình trạng không thực hiện đấu giá, đấu thầu dự án đầu tư có gắn liền với quyền sử dụng đất, mà thay vào đó là thực hiện thông qua cơ chế cấp chủ trương đầu tư.     
Một nhà đầu tư lớn đang quan tâm đến các dự án sử dụng đất ngao ngán chia sẻ, để tiếp cận được các dự án này nhà đầu tư phải đối mặt với một “mê cung” thủ tục hành chính, không biết đường đi lối lại, nhiều khi phải lòng vòng, cùng một thủ tục bản chất giống nhau, chỉ khác tên gọi mà phải đi đến mấy cơ quan, rồi cũng không biết mình có làm đúng hết được các luật hay không!

Không chỉ nhà đầu tư lúng túng, ông Nguyễn Trung Anh, cán bộ Phòng Đăng ký đầu tư thuộc Sở KH&ĐT TP.HCM - một thành phố lớn với rất nhiều dự án đầu tư có gắn với quyền sử dụng đất, cho biết, hiện Thành phố còn nhiều lúng túng trong triển khai đầu tư các dự án này. Thành phố tạm phân chia dự án đã có đất sạch thì đấu giá theo Luật Đất đai; dự án đất chưa sạch theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện đối với dự án không thông qua đấu thầu; dự án thực hiện đấu thầu, đấu giá không phải qua bước này. “Thành phố hiểu và làm như vậy, cũng không biết là đã đúng chưa?”, vị đại diện này đề xuất pháp luật cần quy định rõ tiêu chí các loại đất, loại dự án, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất, buộc phải thực hiện việc đấu giá, đấu thầu hoặc xin chủ trương đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh dẫn thực tế tại Bắc Ninh từ năm 2009: Tỉnh đã có Quyết định quy định rõ thủ tục trình tự đầu tư của doanh nghiệp, chi tiết hóa từng bước từ khi doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận, xin chủ trương đầu tư đến cấp Giấy phép xây dựng. Tất cả đều được chu trình hóa, tính minh bạch cao, hồ sơ thủ tục rõ ràng. Từ đó, ông Bắc kiến nghị việc sửa đổi các luật liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất phải quy định rõ trước sau trong các thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, các thủ tục có liên quan khác,...

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng rất thấu hiểu sự khó khăn, rủi ro của nhà đầu tư khi đứng trước một hệ thống thủ tục còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều trường hợp không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau. Ông Hiếu cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh sẽ thống nhất quy trình, thủ tục theo hướng đơn giản, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.        

Tin cùng chuyên mục