Nghi vấn quanh vụ Israel bắn hạ tên lửa phòng không Syria

Các chuyên gia quân sự cho rằng hệ thống phòng thủ Arrow của Israel không được thiết kế để bắn hạ tên lửa phòng không bay thấp có quỹ đạo khó lường như S-200.

 Tên lửa Arrow 3 của Israel bắn thử nghiệm

Bộ Quốc phòng Israel hôm 16/3 tuyên bố sử dụng tổ hợp phòng thủ tên lửa Arrow để tiêu diệt một quả đạn phòng không Syria nhắm vào tiêm kích nước này. Đây được cho là lần thực chiến đầu tiên của tổ hợp Arrow, trong khi mục tiêu bị nó tiêu diệt khác hoàn toàn so với thiết kế, theo National Interest.

Tuy nhiên, thông tin do Israel công bố đã gây nhiều nghi vấn trong giới chuyên gia quân sự. Mục tiêu bị đánh chặn được cho là quả đạn từ tổ hợp tên lửa S-200 phóng lên từ lãnh thổ Syria. Đây là hệ thống phòng không có tầm bắn tới 300 km do Liên Xô phát triển để tiêu diệt oanh tạc cơ chiến lược, thay vì tiêm kích chiến thuật được Israel sử dụng trong các đợt không kích trên lãnh thổ Syria.

Giáo sư Ted Postol thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng tuyên bố của Israel không có cơ sở, bởi tổ hợp Arrow được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở ngoài bầu khí quyển như Scud, trong khi đạn S-200 chỉ có tầm cao 40 km.

Theo Postol, đầu dò hồng ngoại bám bắt mục tiêu của Arrow chỉ được kích hoạt ở độ cao trên 40 km, nên nó không thể phát hiện và tiêu diệt được S-200 ở độ cao thấp hơn nhiều.

Chuyên gia Barbara Opall-Rome của Denfense News cũng cho rằng Arrow không được thiết kế để đánh chặn S-200. Cơ sở dữ liệu của Arrow sẽ theo dõi và dự đoán đường bay đơn giản của tên lửa đạn đạo dựa vào thông tin do đầu dò hồng ngoại thu được. Trong khi đó, mỗi quả S-200 với 4 động cơ đẩy phụ sẽ tạo ra 5 mục tiêu hồng ngoại với quỹ đạo không thể dự đoán, khiến khả năng tính toán đường đạn của hệ thống Arrow bị vô hiệu hóa.

Tên lửa S-200 là mục tiêu rất khó bị hệ thống Arrow đánh chặn. Ảnh:ISNA.

Theo các chuyên gia quân sự, nếu hệ thống Arrow của Israel quả thực đã đánh chặn được tên lửa S-200 của Syria, nó sẽ là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi ở Trung Đông. Tổ hợp phòng không S-300 và S-400 của Nga đang khiến phương Tây lo ngại, nhưng nếu Mỹ và đồng minh có thể đánh chặn các tên lửa này, họ sẽ sở hữu phương án chế áp hệ thống phòng không đối phương.

Tin cùng chuyên mục