Nhà thầu bất bình vì bị loại do hàng mẫu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch biển Việt Nam (Nhà thầu Du lịch biển Việt Nam) phản ánh đến Báo Đấu thầu về quá trình tham dự Gói thầu Mua máy ca nô phục vụ công tác kiểm tra hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) thuộc dự toán cùng tên.
Gói thầu Mua máy ca nô phục vụ công tác kiểm tra hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) do Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Hoàng Cầu mời thầu. Ảnh minh họa: Phúc An
Gói thầu Mua máy ca nô phục vụ công tác kiểm tra hành vi khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) do Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Hoàng Cầu mời thầu. Ảnh minh họa: Phúc An

Gói thầu do Công an huyện Diên Khánh làm chủ đầu tư (CĐT), Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Hoàng Cầu (Tư vấn Hoàng Cầu) làm bên mời thầu (BMT).

Có 4 nhà thầu tham dự thầu, với giá dự thầu sau giảm giá từ thấp đến cao lần lượt là: Hộ kinh doanh Cửa hàng Phương Nam (Nhà thầu Phương Nam); Nhà thầu Du lịch biển Việt Nam; Công TNHH Đóng tàu Lưu Gia; Hộ kinh doanh Cửa hàng Việt Thắng Lợi (Nhà thầu Việt Thắng Lợi).

Nhà thầu Du lịch Biển Việt Nam nhận được yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT): cung cấp hàng mẫu theo thông số kỹ thuật đã dự thầu. Theo đó, Công an huyện Diên Khánh đề nghị Nhà thầu chuyển hàng mẫu động cơ ca nô về địa chỉ của CĐT.

Sau đó 1 ngày, Nhà thầu có văn bản phản hồi: “Máy cano phải nhập khẩu từ nước ngoài với thời gian 15 ngày; phần vỏ ca nô sản xuất tại Việt Nam trong thời gian 30 ngày theo quy định của HSMT. Công ty cam kết cung cấp hàng mẫu là động cơ ca nô theo đúng quy định tại HSMT chậm nhất đến ngày 22/11/2020. Hiện tại, hàng mẫu đã về kho, có tài liệu kèm theo (tờ khai hải quan)”.

Bất ngờ, đúng ngày Nhà thầu có văn bản phản hồi thì BMT đăng Báo cáo đánh giá HSDT với nội dung Nhà thầu không đạt về năng lực kỹ thuật với lý do “không cung cấp hàng mẫu theo quy định”.

Trong khi đó, HSMT không quy định cụ thể thời gian cung cấp hàng mẫu mà chỉ yêu cầu nhà thầu “phải chuẩn bị hàng mẫu khi có yêu cầu chào mẫu của CĐT”. Theo Nhà thầu, từ thời điểm Gói thầu được công bố mời thầu, Nhà thầu đã chuẩn bị hàng mẫu bằng việc liên hệ với đối tác là nhà sản xuất máy thương hiệu nước ngoài và đại lý bán máy thương hiệu này để tiến hành đặt hàng. Nhà thầu đã gửi CĐT tài liệu gồm hợp đồng mua máy cano; cam kết đặt hàng của hãng; điện chuyển tiền nước ngoài, xác nhận nhận tiền của đối tác…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, các chuyên gia cho biết, HSMT không quy định chặt chẽ nhưng cách đánh giá HSDT của BMT lại đẩy Nhà thầu rơi vào tình thế bất lợi. Trong khi đó, việc không xem xét các tài liệu làm rõ HSDT của Nhà thầu một cách thỏa đáng đã dẫn tới quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà thầu bị ảnh hưởng.

Gói thầu nêu trên sau đó thuộc về Nhà thầu Việt Thắng Lợi, dù có giá dự thầu cao nhất.

Khảo sát dữ liệu của Báo Đấu thầu cho thấy, từ ngày 24/7 đến 24/12/2020, Tư vấn Hoàng Cầu với tư cách là BMT đã công bố Việt Thắng Lợi trúng 10 gói thầu. Đặc biệt, tất cả các gói thầu có sự tham gia của Việt Thắng Lợi đều có mặt Nhà thầu Phương Nam. Điểm chung là Nhà thầu Phương Nam dù luôn được xếp hạng 1 (giá dự thầu thấp nhất), tuy nhiên, sau đó lại bị loại vì những lý do “lạ”, liên tục mắc những lỗi tương tự trong suốt quá trình dự thầu các gói thầu do Tư vấn Hoàng Cầu làm BMT.

Thông thường, Nhà thầu Phương Nam bị loại bởi HSDT không hợp lệ, không vượt qua bước đánh giá sơ bộ. Nhà thầu này cũng thường xuyên không đạt năng lực, kinh nghiệm, không đạt về đánh giá kỹ thuật. Trong các trường hợp này, Việt Thắng Lợi dù có giá dự thầu cao nhất, sát giá gói thầu nhưng luôn trúng thầu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, nếu một nhà thầu chuyên nghiệp có mong muốn dự thầu nghiêm túc, không bao giờ để xảy ra các lỗi cơ bản một cách hệ thống như vậy.

Tin cùng chuyên mục