Nhận thức về kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân còn thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mức độ nhận thức của các doanh nghiệp (DN) về thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) vẫn còn thấp, đặc biệt là các DN tư nhân nhỏ và vừa trong nước. Chưa đến một nửa số DN nhỏ trong nước được hỏi có hiểu biết đầy đủ về RBP, trong khi tỷ lệ này ở khối DN nhà nước (SOE) hiểu đầy đủ về khái niệm và ý nghĩa của kinh doanh có trách nhiệm là 81%.
Kết quả khảo sát của UNDP cho thấy, tương lai việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp là tích cực, nhưng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa
Kết quả khảo sát của UNDP cho thấy, tương lai việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp là tích cực, nhưng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa

Đây là một trong những phát hiện chính của Nghiên cứu về mức độ nhận thức và tình hình thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các DN tại Việt Nam, vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam công bố trong khuôn khổ Tuần lễ DN có trách nhiệm (19 - 24/4/2021). Nghiên cứu là kết quả khảo sát từ khoảng 300 DN.

Áp lực càng lớn thì mức độ thực hiện càng cao

Theo Nghiên cứu, có khoảng 56% DN được khảo sát đồng ý với khái niệm đầy đủ về RBP, đó là chủ động đánh giá các tác động của DN đối với môi trường và xã hội, thực hiện các biện pháp phòng trách các tác động tiêu cực và đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả khi các tác động tiêu cực xảy ra, bao gồm cả việc vượt mức tuân thủ các quy định của luật pháp quốc gia khi cần thiết để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Khoảng 42% DN được khảo sát cho rằng RBP ở một nghĩa hẹp hơn như thực hiện trách nhiệm xã hội của DN (7%) hoặc tuân thủ luật pháp quốc gia (36%). Mức độ nhận thức giữa các DN theo loại hình khác nhau cũng khá chênh lệch. DN có vốn nhà nước có mức độ tuân thủ cao nhất (81%), DN tư nhân trong nước có mức độ nhận thức thấp nhất (47%). Mức độ nhận thức giữa DN lớn và DN nhỏ tương đối hẹp, chỉ ở mức 12%.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó, Nghiên cứu chỉ ra, DN càng lớn và tham gia hội nhập toàn cầu càng nhiều thì mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm càng cao. Trong khi đó, DN vừa và nhỏ trong nước thường ít tiếp xúc với thị trường quốc tế và có nguồn lực, năng lực tài chính, kỹ thuật hạn chế. Họ đã phải rất nỗ lực trong việc tuân thủ ngay cả những quy định tối thiểu về môi trường do luật pháp quy định. Ngược lại, DN có vốn nhà nước và DN nước ngoài có nhiều cơ hội để tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, do đó, các DN này có áp lực phải thực hiện các thực hành kinh doanh có trách nhiệm để đảm bảo danh tiếng, quản lý rủi ro cũng như duy trì mối quan hệ với khách hàng quốc tế.

Thực tế cũng cho thấy áp lực càng lớn thì mức độ thực hiện càng cao. Áp lực tác động đến thực hiện kinh doanh có trách nhiệm bao gồm cả áp lực bên ngoài (yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc gia, chế tài xử phạt nếu không thực hiện, yêu cầu của khách hàng và nhà cung cấp), áp lực bên trong (sức ép từ cổ đông, người lao động).

Theo Nghiên cứu, mặc dù mức độ thực hiện kinh doanh có trách nhiệm khác nhau, nhưng hầu hết các DN không thực hiện các thực hành nằm ngoài phạm vi tuân thủ các quy định pháp luật của Chính phủ. 84 - 90% DN được hỏi tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về các vấn đề lao động liên quan tới chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc (bảo hiểm; chế độ khen thưởng và phúc lợi; an toàn và vệ sinh…). Đây là tỷ lệ tuân thủ cao nhất so với các vấn đề khác, quản trị và môi trường lần lượt là 71% và 66%.

Các DN cho biết, thực hành kinh doanh có trách nhiệm liên quan đến tiêu chuẩn lao động được ưu tiên vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến sức khỏe người lao động. Còn các vấn đề môi trường có những điểm chưa rõ ràng và chế tài tương đối yếu nên chưa được ưu tiên bằng vấn đề lao động.

23% DN được khảo sát cho biết họ chỉ tuân thủ một phần các quy định về cơ chế đối thoại tại nơi làm việc, hòa giải tranh chấp lao động hoặc các biện pháp khắc phục.

Các hoạt động có tác động trực tiếp và lớn đến môi trường như hệ thống thu gom và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, giảm bụi, khói và tiếng ồn có tỷ lệ tuân thủ cao nhất (59%), trong khi các hoạt động liên quan đến quan trắc, đánh giá tác động môi trường chỉ có tương ứng 45% và 52%.

65% DN được khảo sát cho biết họ tuân thủ các quy định bắt buộc như cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm/dịch vụ cho người tiêu dùng và ban hàng chính sách mua sắm, đấu thầu minh bạch. Các quy định không bắt buộc hoặc khuyến khích thực hiện (lập báo cáo thường niên có nội dung phi tài chính/báo cáo phát triển bền vững…) không phải là ưu tiên đối với nhiều DN.

Thách thức lớn nhất được nhiều DN nhận định, đó là cơ chế thực thi của luật chưa đủ mạnh, sự thiếu hụt nguồn lực về tài chính, nhân sự.

Ba biện pháp được thực hiện nhiều nhất và nhất quán giữa các DN là xây dựng các chính sách và hệ thống nội bộ, lồng ghép các mục tiêu xã hội và môi trường vào sứ mệnh và tầm nhìn của DN, tham vấn với các bên liên quan. Đáng chú ý, chỉ có DN nước ngoài coi việc phân công phòng/ban/nhân sự chuyên trách về thực hiện trách nhiệm của DN là một trong ba biện pháp được ưu tiên thực hiện.

Hơn 60% DN có kế hoạch đẩy mạnh RBP

Nhìn chung, kết quả khảo sát cho thấy, tương lai việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của các DN là tích cực, nhưng cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để có thể thúc đẩy hơn nữa. Theo Nghiên cứu, hơn 60% DN có kế hoạch đẩy mạnh áp dụng thực hành kinh doanh có trách nhiệm và 2/3 DN lớn, DN nhà nước, và DN trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp sẽ áp dụng kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai. Các DN được hỏi đều thống nhất rằng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia sẽ là cách tốt nhất hỗ trợ và đảm bảo sự nhất quán cho việc thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trong tương lai. Điều này cũng sẽ cho phép các kế hoạch đầu tư dài hạn hơn ở Việt Nam, giúp cho cho cộng đồng và các bên liên quan tin tưởng rằng quyền của họ được bảo vệ.

Chia sẻ câu chuyện thành công của Thụy Điển, bà Ann Mawe - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết: “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phục hồi xanh. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tăng trưởng kinh tế không nhất thiết phải gây tổn hại đến phát triển xã hội hoặc môi trường; ngược lại, nó thúc đẩy lợi nhuận, lợi thế so sánh và các mô hình kinh doanh mới. Thụy Điển và các thương hiệu Thụy Điển đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, bằng cách đưa thực hành kinh doanh có trách nhiệm trở thành một phần không thể thiếu của phát triển DN, kết hợp đối thoại xã hội và tạo ra điều kiện làm việc tốt tại nơi làm việc cũng như những chu trình sản xuất bền vững tạo ra các sản phẩm bền vững”.

Theo Phó đại diện thường trú của UNDP Sitara Syed, nghiên cứu này được thực hiện rất kịp thời. Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế nhanh, tương đối bao trùm, và đầu tư mang lại cơ hội, nhưng điều này cũng góp phần vào sự suy thoái môi trường và những vi phạm về quyền con người trong các DN. Sự phục hồi của Việt Nam sau Covid-19 cũng bộc lộ những lỗ hổng sẵn có trong nền kinh tế, bao gồm cả trong cách thức kinh doanh. Phục hồi từ Covid-19 cũng là cơ hội để Việt Nam tiến lên tốt đẹp hơn, thông qua phát triển các DN có trách nhiệm với con người và môi trường, và DN có thể là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không ảnh hưởng đến phát triển bền vững.

Bà Sitara Syed cũng đánh giá cao việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào năm 2022 phù hợp với các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền. Bà Sitara Syed cam kết, UNDP sẵn sàng hỗ trợ quá trình xây dựng kế hoạch và các cuộc tham vấn với các bên liên quan trong các lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch hành động quốc gia. Với những nỗ lực như vậy, DN sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thúc đẩy phát triển bền vững, vì "Con người, Hành tinh và Sự thịnh vượng".

Tin cùng chuyên mục