Nhiều dự án ODA tại TP.HCM chậm tiến độ, giải ngân thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TP.HCM đã nỗ lực tận dụng nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, nhiều dự án ODA trên địa bàn Thành phố chậm, vỡ tiến độ, làm giảm tỷ lệ giải ngân đầu tư công.
Nhiều gói thầu xây lắp thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM
giai đoạn 2 bị chậm tiến độ. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều gói thầu xây lắp thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 bị chậm tiến độ. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều gói thầu lớn chậm tiến độ

Ban điều hành dự án 5 - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư - CĐT) cho biết, sau khi thực hiện đấu thầu tất cả các gói thầu thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 đã tiết kiệm được 78 triệu USD. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán tại tất cả gói thầu của Dự án, kết luận quy trình đấu thầu đều tuân thủ theo hướng dẫn mua sắm của Ngân hàng Thế giới (WB) và các quy định của pháp luật Việt Nam.

Dự án có tổng mức đầu tư 524 triệu USD, trong đó 450 triệu USD là vốn vay WB, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách thành phố, khởi công vào tháng 2/2017 và dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành trong tháng 4/2023.

Phần kết dư của dự án này đang được UBND Thành phố xin ý kiến hướng dẫn của các bộ về việc tái đầu tư. Cụ thể, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương bổ sung các hạng mục gồm xử lý bùn thải bằng công nghệ hiện đại ở Nhà máy Xử lý nước thải; xây dựng Trung tâm Học tập môi trường ELC, xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời ở Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Các hạng mục trên nhằm khép kín quy trình xử lý nước thải và bùn thải, đảm bảo an toàn và hạn chế mùi hôi, ảnh hưởng đến các khu dân cư.

Dù có số kết dư lớn như vậy (phần nhiều do chênh lệch tỷ giá), dự án sử dụng vốn ODA này của TP.HCM vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, chậm tiến độ đã trở thành tình trạng chung của các gói thầu xây lắp lớn thuộc Dự án. Có đến 3 gói thầu, gồm: XL-01, XL-02, XL-03 đều bị đánh giá là quá chậm trong quá trình triển khai sau khi tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Trong đó Gói thầu XL-01 Thi công tuyến cống bao thu gom nước thải là hạng mục đầu tiên của Dự án được triển khai xây dựng, khởi công từ ngày 24/2/2017. Gói thầu này lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển, giá gói thầu 79,7 triệu USD. Gói thầu bị đánh giá chậm tiến độ so với kế hoạch và phát sinh nhiều rắc rối khi nhà thầu thi công liên tục ngưng việc do bị chậm thanh toán.

Gói thầu XL-02 Thiết kế thi công vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chậm hơn 3 năm so với dự kiến ban đầu.

Gói thầu XL-03 Xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 6 do Công ty CP An Lạc thực hiện với hợp đồng trị giá 194,3 tỷ đồng. Ban đầu, gói thầu này dự kiến được hoàn thành vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, Nhà thầu mới thi công đạt 39% khối lượng. Trong tháng 6/2020, Nhà thầu và tư vấn đang hoàn thiện các thủ tục để gia hạn hợp đồng, khối lượng thực hiện mới đạt 50%.

Gói thầu XL-04 đang được tổ chức thi công, mới đạt 76%; Gói thầu XL-05 đạt 86%; Gói thầu XL-07 đạt 32%; còn Gói thầu XL-08 chưa thể thi công do đang vướng mặt bằng.

Việc triển khai thi công chậm các gói thầu lớn này là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chậm giải ngân vốn của Dự án. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận rằng, tỷ lệ giải ngân các dự án ODA của Thành phố còn chậm, đạt tỷ lệ thấp.

Hủy thầu, đấu lại và áp lực vỡ tiến độ

“Quán quân” về chậm giải ngân đầu tư các dự án ODA thuộc về các dự án đường sắt đô thị (metro). Tuyến Metro số 1 dù đạt hơn 70% khối lượng thi công, nhưng đang vướng mắc ở khâu thanh toán cũng như hạng mục thiết bị bị đình trệ do dịch Covid-19.

Còn tại tuyến Metro số 2, UBND TP.HCM cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, ngày 21/12/2017, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã thông báo mời thầu Gói thầu CP3a Đường hầm và các nhà ga ngầm (đoạn từ Km1+024,7 đến Km6+330,4) và Gói thầu CP3b Đường hầm và các nhà ga ngầm (đoạn từ Km6+330,4 đến Km10+306,07). Theo đó, hồ sơ mời thầu (HSMT) của hai gói thầu này được phát hành vào ngày 26/12/2017. Tuy nhiên, vì một số tình huống “bất khả kháng” không lường trước, việc phát hành HSMT các gói thầu này liên tục bị trì hoãn đến tận bây giờ vẫn chưa xác định được thời điểm. Trước đó, các gói thầu này đã được tổ chức hội nghị tiền đấu thầu và thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhà thầu quốc tế.

Gói thầu CP3a và Gói thầu CP3b bao gồm các hạng mục là hai trục xương sống quan trọng của Dự án Metro số 2 nhưng riêng việc tổ chức đấu thầu đã bước sang năm thứ 3.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, các gói thầu lớn thuộc Dự án Tuyến Metro số 2 phải hủy để đấu thầu lại dẫn tới thời gian thực hiện kéo dài. “Đây là dự án mà khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều thuận lợi nhưng do quá trình triển khai kéo dài, hủy mời thầu liên tục dẫn tới điều chỉnh tổng mức đầu tư. Chỉ riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, qua thẩm định lại với đơn giá bồi thường hiện hành, đã phát sinh thêm 500 tỷ đồng phần ngân sách đối ứng của Thành phố. Đó là chưa kể khi hình thành các gói thầu xây lắp lớn, chắc chắn sẽ phải cơ cấu lại chi phí toàn Dự án”, ông Hoan cho biết.

Như vậy, yêu cầu của Thành ủy TP.HCM với CĐT, các địa phương, sở ngành phấn đấu đưa Tuyến Metro số 2 vào chạy thử nghiệm cuối năm 2020, vận hành thương mại vào năm 2021 lại trở nên xa vời.

Tin cùng chuyên mục