Nhiều gói thầu bị hủy do bên mời thầu thao tác sai khi đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh: Lê Tiên |
Khảo sát từ dữ liệu Báo Đấu thầu thời gian gần đây cho thấy, bên cạnh những gói thầu có lý do hủy thầu phù hợp với quy định pháp luật, thì không ít gói thầu phải hủy thầu xuất phát từ sự cẩu thả, bất cẩn, thiếu trách nhiệm từ phía chủ đầu tư/bên mời thầu.
Đơn cử, lần lượt trong ngày 15/10 và 20/10, Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Tân Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và Gói thầu số 02 Thi công xây lắp công trình thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu xen ghép dân cư xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa được thông báo hủy thầu. Lý do hủy thầu cả 2 gói thầu này đều do bên mời thầu chọn sai hình thức lựa chọn nhà thầu khi thao tác trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Ngày 4/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng hủy Gói thầu Thi công nâng cấp cổng hàng rào và các hạng mục phụ trợ cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng. Lý do hủy thầu là đăng tải sai tên công trình.
Hay Gói thầu Thi công nâng cấp đường Ông Thanh, huyện Củ Chi, TP.HCM cũng phải hủy thầu do bên mời thầu nhập sai thông tin chủ đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Ngoài ra, còn rất nhiều gói thầu khác cũng phải hủy thầu bởi những lý do như: đăng tải nhầm thời gian đóng/mở thầu; sai tên gói thầu; đăng tải thông tin mời thầu không đầy đủ... Có thể dễ dàng nhận thấy, điểm chung tại những gói thầu kể trên đó là lý do hủy thầu luôn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan mà cụ thể là sự lơ là, bất cẩn của chủ đầu tư/bên mời thầu.
Dù là lỗi nhỏ, nhưng hệ lụy sinh ra lại không nhỏ. Theo đó, sau khi hủy thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu phải tổ chức mời thầu lại, quá trình này mất thêm nhiều thời gian và công sức, ảnh hưởng tiến độ của cả dự án làm giảm hiệu quả vốn đầu tư công.
Về vấn đề này, một chuyên gia đấu thầu cho biết, pháp luật hiện hành giới hạn 4 trường hợp hủy thầu, bao gồm: tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC); thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, HSYC; HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án; có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Pháp luật về đấu thầu hiện hành chỉ quy định xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm dẫn đến hủy thầu đối với 2 trường hợp: Một là, HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án. Hai là, có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Theo đó, chuyên gia đấu thầu cho rằng, cần quy định cụ thể hơn các trường hợp hủy thầu, đồng thời xây dựng thêm chế tài để tránh việc chủ đầu tư/bên mời thầu tùy tiện, lạm dụng hủy thầu.