Ảnh Internet |
Tuy nhiên, những khó khăn, trở ngại khi thực hiện MSTT của các đơn vị này là không ít.
Quyết tâm triển khai MSTT
Tháng 9/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định công bố danh mục MSTT và đơn vị thực hiện MSTT trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thực hiện việc mua sắm máy móc, thiết bị văn phòng; Sở Y tế thực hiện việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, sinh phẩm. Danh mục MSTT của tỉnh Khánh Hòa đối với máy móc, thiết bị văn phòng bao gồm: máy photocopy và máy điều hòa nhiệt độ. Việc MSTT đối với danh mục máy móc, thiết bị văn phòng được áp dụng cách thức ký thỏa thuận khung.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng thể hiện quyết tâm triển khai MSTT một cách quyết liệt khi yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh Khánh Hòa tăng cường công tác kiểm soát chi đối với tài sản MSTT từ nguồn ngân sách nhà nước; không thanh toán các khoản kinh phí mua sắm tài sản nhà nước thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung của Tỉnh nhưng không thực hiện MSTT hoặc hợp đồng mua sắm tài sản không phù hợp với thỏa thuận khung và quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ban hành quyết định về việc giao đơn vị mua sắm tập trung theo mô hình kiêm nhiệm. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) thực hiện MSTT theo quy định; tổ chức thực hiện và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện MSTT; thực hiện công khai, minh bạch trong MSTT và báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; thực hiện đúng quy định về các khoản thu, chi liên quan.
Còn nhiều khó khăn
Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện các Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được giao nhiệm vụ làm đầu mối thực hiện MSTT đều bày tỏ nhiều băn khoăn. “Để tìm được tiếng nói chung với các đơn vị sử dụng hàng hóa theo danh mục MSTT là cực kỳ khó và tốn nhiều thời gian. Các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện lâu nay đã quen với việc tự tổ chức mua sắm. Nay, mọi việc gần như gom về một đầu mối là Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản nên ban đầu khá nhiều ý kiến thiếu tính xây dựng”, đại diện một Trung tâm cho biết.
“Mục đích sử dụng hàng hóa của các đơn vị được giao sử dụng hàng hóa thông qua MSTT đa số là giống nhau. Chỉ trừ một số đơn vị đặc thù như ngành khoa học - công nghệ, kiến trúc, quy hoạch (đối với mặt hàng máy tính). Tuy nhiên, mỗi khi họp để lấy ý kiến xây dựng bộ quy chuẩn chung đều có ý kiến đòi hỏi rất khác nhau về model, cấu hình, thông số... của máy móc. Để thống nhất được các ý kiến của đơn vị sử dụng, đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản nhiều khi phải làm công tác tư tưởng rất nhiều”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM Phạm Văn Sỹ chia sẻ.
Trong khi đó, một nỗi lo rất lớn của các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản chính là về đội ngũ nhân lực trực tiếp thực hiện việc MSTT. “Ngay khi được giao nhiệm vụ, chúng tôi đã phải liên hệ với nhiều nơi để gửi cán bộ, nhân viên của mình đi đào tạo về nghiệp vụ đấu thầu. Đây là điều bắt buộc và cực kỳ quan trọng. Gần như Trung tâm chúng tôi chưa có nhân viên nào có chứng chỉ nghiệp vụ đấu thầu. Do đó, nâng cao năng lực đội ngũ phụ trách đấu thầu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm”, đại diện một Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cho biết.
“Đơn vị chúng tôi có nhiều cán bộ chủ chốt đã có chứng chỉ nghiệp vụ về đấu thầu từ trước. Nhưng đối với mảng đấu thầu, khối lượng văn bản hướng dẫn rất lớn, độ cập nhật liên tục và tình huống phát sinh nhiều. Do đó, Trung tâm bắt buộc phải tham khảo hướng dẫn từ nhiều nguồn tin cậy, uy tín để đảm bảo việc tổ chức đấu thầu phải đúng quy định”, đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM chia sẻ.