Nhiều yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất

(BĐT) - Tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp. 
Lạm phát cơ bản 7 tháng năm 2017 duy trì ở mức thấp là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Ảnh: Lê Tiên
Lạm phát cơ bản 7 tháng năm 2017 duy trì ở mức thấp là yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Ảnh: Lê Tiên

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong các tháng cuối năm 2017, việc giảm lãi suất đang có nhiều yếu tố hỗ trợ từ cả trong nước và quốc tế. 

Về tình hình lãi suất 7 tháng qua, báo cáo mới công bố của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) nhận định, trên thị trường 1, lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất cho vay có dấu hiệu giảm dần sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên giảm về mức 6,5%/năm, cá biệt đã có ngân hàng thương mại giảm về 6%/năm.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, hiện lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong thời gian còn lại của năm nay, UBGSTC dự báo, có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho việc giảm lãi suất. Nhìn từ yếu tố trong nước, lạm phát nhiều khả năng đạt dưới kế hoạch Quốc hội đề ra (4%). Lạm phát cơ bản 7 tháng duy trì ở mức thấp, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân 7 tháng đầu năm tăng 1,49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc phát hành trái phiếu chính phủ 5 tháng còn lại của năm 2017 chỉ còn khoảng 25% kế hoạch, lợi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn cũng đồng loạt giảm 0,2 - 0,3 điểm % so với thời điểm cuối tháng 6, thấp hơn khoảng 1 điểm % so với cùng kỳ năm 2016 ở các kỳ hạn, tạo điều kiện hỗ trợ việc giảm lãi suất đối với khu vực ngân hàng.

Động thái từ nhà điều hành đang hỗ trợ lớn cho việc giảm lãi suất. Trong tháng 7, NHNN đã hạ lãi suất điều hành, cùng với đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng được NHNN điều chỉnh giảm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020.

Trong những cuộc tổng kết của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống cần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Theo ông Lê Minh Hưng, hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô. NHNN giảm lãi suất điều hành kể cả trên thị trường mở, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn.

Việc giảm lãi suất các tháng cuối năm còn có thể được hỗ trợ từ yếu tố quốc tế, khi áp lực từ phá tỷ giá không quá lớn. UBGSTC đánh giá, tháng 7 vừa qua, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm. Đến nay, đồng USD đã giảm hơn 7% so với đầu năm và khả năng FED tăng lãi suất trong năm nay. Động thái tăng tỷ giá trung tâm của NHNN chỉ mang tính hỗ trợ xuất khẩu và tránh những cú sốc trong tương lai.

Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, yếu tố mùa vụ đến từ cầu ngoại tệ tăng cao trong các tháng cuối năm do sức ép nhập siêu có thể gây nên những tác động đến thị trường. Tuy nhiên, do dự trữ ngoại hối gia tăng và chênh lệch lãi suất giữa VND và các ngoại tệ vẫn đang nghiêng về việc nắm giữ VND, nên dự báo VND sẽ mất giá mức độ như 6 tháng đầu năm.

Tin cùng chuyên mục