Ảnh Internet |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đề xuất 5 giải pháp, trong đó có một số giải pháp mang tính dài hạn.
Chạm trần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn
Theo báo cáo giải pháp tháo gỡ khó khăn nguồn vốn tín dụng trong nước để đầu tư Dự án Đường cao tốc Bắc - Nam gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 3/5 của NHNN, tính đến 31/12/2016, chỉ tính riêng các ngân hàng thương mại, tổng mức cam kết tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là hơn 252 nghìn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng là hơn 129 nghìn tỷ đồng, tăng 28,28% so với năm 2015. Trong đó, cam kết cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 163 nghìn tỷ đồng với dư nợ cấp tín dụng là 87.235 tỷ đồng, tăng 17,31% so với năm 2015. Bên cạnh nguồn vốn tín dụng đầu tư trực tiếp vào kết cấu hạ tầng giao thông, các tổ chức tín dụng (TCTD) còn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu chính phủ.
Việc cho vay các dự án BOT giao thông thời gian qua đã bộc lộ không ít vấn đề. Theo đánh giá của NHNN, năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có biến động trái chiều (tổng mức đầu tư tăng, giảm phí…); nhiều nhà đầu tư không bảo đảm vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu rất thấp, chỉ chiếm 10 - 15% tổng mức đầu tư, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ các TCTD. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi lớn, nhất là trong những năm đầu triển khai dự án; các dự án BOT giao thông thường có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài; nhiều dự án có nguồn thu trong các năm đầu vận hành không đủ trả lãi vay ngân hàng; dự án bị chậm tiến độ, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thời hạn trả nợ ngân hàng.
Hiện nay các ngân hàng trong nước sử dụng nguồn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn lớn. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đến ngày 31/12/2016 là 60%, đến ngày 31/12/2017 là 50% và từ ngày 1/1/2018 là 40%. Có thể kể đến 2 điển hình là BIDV và VietinBank với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đã ở mức cao và lần lượt là 43% và 36%. Với lộ trình đến 1/1/2018 giảm tỷ lệ này xuống 40%, thì 2 ngân hàng này đã chạm ngưỡng cho phép theo quy định.
5 đề xuất giải quyết cho Dự án
Thực tế về việc thu xếp vốn của các TCTD đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua cho thấy, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ lĩnh vực này nhằm góp phần làm tăng hiệu quả dự án, tăng tính hấp dẫn đối với các ngân hàng thương mại. Vì vậy, NHNN đề xuất việc cho vay các dự án này cần được thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành; các ngân hàng tự xem xét, tự quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn dài hạn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Để giải quyết vốn cho Cao tốc Bắc - Nam và một số cao tốc quan trọng khác, NHNN đề xuất cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp. Đầu tiên là cần sớm hoàn thiện cơ chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các quy định có liên quan trong việc đầu tư các dự án giao thông. Thứ hai, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn như nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình... Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, chi phí đầu tư cạnh tranh. Thứ tư, nhà đầu tư cần tăng vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, nâng cao năng lực hoạt động nhằm đáp ứng các yêu cầu trong việc đầu tư các dự án BOT, BT giao thông, đáp ứng các điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng.
Về phía các ngân hàng, cần thẩm định chặt chẽ dự án BOT, đề nghị nhà đầu tư nâng cao năng lực tài chính, tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án. Thường xuyên rà soát và đánh giá lại hiệu quả của dự án BOT đang cấp tín dụng để có biện pháp quản lý rủi ro và có giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thu của dự án để đảm bảo thu nợ kịp thời, đầy đủ và đúng hạn.