Hé lộ từ “trượt thầu không biết lý do”

(BĐT) - Sau khi đăng tải bài viết “Trượt thầu mà không biết lý do” phản ảnh việc nhà thầu bị loại từ vòng đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật mà không có lý giải thỏa đáng từ các bên mời thầu/chủ đầu tư, Báo Đấu thầu tiếp tục nhận được nhiều thông tin phản ánh từ các nhà thầu về những bất cập trong công bố kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu.
Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT quy định trong thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật phải nêu lý do các nhà thầu không đáp ứng về kỹ thuật. Ảnh: Tiên Giang
Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT quy định trong thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật phải nêu lý do các nhà thầu không đáp ứng về kỹ thuật. Ảnh: Tiên Giang

Nhà thầu vô danh và 98 điểm kỹ thuật

Nhiều nhà thầu đã cung cấp các thông báo đánh giá hồ sơ dự thầu của nhiều bên mời thầu cho Báo Đấu thầu. Tài liệu cho thấy, thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật Gói thầu Khảo sát địa chất công trình của Trường Đại học K (TP.HCM) công bố thông tin “Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng TAĐ đạt 98 điểm”. Theo đó, Công ty TAĐ sẽ được mời đến để mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Việc TAĐ đạt số điểm kỹ thuật 98, với nhiều nhà thầu có uy tín trong lĩnh vực này như một cú sốc. Một nhà thầu chia sẻ, “làm tư vấn thiết kế, khảo sát địa chất công trình hơn 30 năm với hàng trăm công trình đã được nghiệm thu, nỗ lực để đạt 90 điểm về đề xuất kỹ thuật đã là sự ghi nhận vô cùng lớn đối với chúng tôi. Chấm đề xuất kỹ thuật, nhà thầu đạt trên 80 đã có cơ hội được xét trúng thầu nếu đề xuất tài chính phù hợp. Đây là lần đầu tiên trong quá trình đấu thầu chúng tôi gặp một trường hợp đề xuất kỹ thuật đạt 98 điểm”.

Tìm hiểu kỹ thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu khảo sát địa chất công trình nêu trên cho thấy, ngoài việc công bố nhà thầu TAĐ đạt 98 điểm, không có thông tin về số điểm của các nhà thầu còn lại. Với kiểu thông báo này, tất cả các nhà thầu khác đều không thể biết hồ sơ kỹ thuật của mình đạt bao nhiêu điểm, bị loại vì lý do gì?! Và dĩ nhiên, điểm số 98 của nhà thầu TAĐ càng trở nên kì dị, lạ lùng và không thể lý giải nổi.

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo Đấu thầu, mọi chuyện sẽ không có gì đáng phàn nàn đối với các nhà thầu dự thầu khác nếu như TAĐ đủ sức, đủ tầm để cạnh tranh sòng phẳng với họ. Xác minh cho thấy, TAĐ là một tư vấn khá vô danh, năng lực và kinh nghiệm chưa được xác thực bằng những dự án cụ thể. Thậm chí có nhà thầu đã trực tiếp đi tìm hiểu và được biết, TAĐ thực sự là một nhà thầu "tay không bắt giặc” khi phương tiện, thiết  bị cũng như nhân sự đều chủ yếu đi vay mượn.

Nhưng tại sao TAĐ vẫn là nhà thầu duy nhất được Đại học K ưu ái cho lọt vào vòng đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính lại chỉ có chủ đầu tư và nhà thầu này trả lời nổi.

Chưa thực hiện nghiêm việc đánh giá hồ sơ dự thầu

Có một thực trạng đáng buồn là khi các chủ đầu tư/bên mời thầu đã lợi dụng triệt để việc đánh giá HSĐX về kỹ thuật để loại ngay từ đầu các nhà thầu nhiều tiềm lực, họ “quyết tâm” chỉ để nhà thầu “ruột” lọt vào vòng đánh giá đề xuất tài chính. Để rồi sau đó, các bên mời thầu đã lúng túng, bí bách và không biết trả lời thế nào với các nhà thầu mạnh, am hiểu Luật Đấu thầu về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu. Do đó, họ dây dưa, kéo dài thời gian để nhà thầu hết kiên nhẫn mà bỏ cuộc. Điều đó lý giải phần nào, hiện nay, nhiều kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, mà qua đó ai cũng nhận ra, giá trúng thầu khớp một cách “kỳ ảo” với giá gói thầu, hoặc số tiền tiết kiệm cho ngân sách từ đấu thầu chỉ là vài đồng lẻ.  
Để chuẩn hóa việc lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu 2013, Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (TT 23) đã hướng dẫn cụ thể. Theo đó,  tại Khoản 4, Điều 5 TT 23 quy định “Trường hợp gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, bên mời thầu phải gửi thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đến các nhà thầu tham dự thầu. Trong văn bản thông báo phải nêu rõ tên nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, lý do các nhà thầu không đáp ứng về kỹ thuật, thời gian, địa điểm mở hồ sơ đề xuất về tài chính. Các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật có thể cử đại diện tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính”.

Theo các nhà thầu, với hướng dẫn của TT 23, các chủ đầu tư/bên mời thầu đã rất thuận lợi khi công bố đánh giá hồ sơ dự thầu nói chung và hồ sơ đề xuất kỹ thuật nói riêng. Tuy nhiên, tại nhiều gói thầu, việc các chủ đầu tư công bố kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật/danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật vẫn còn quá sơ sài, qua loa, chưa đúng chuẩn, thậm chí là bỏ sót nhiều thông tin bắt buộc. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thủy lợi 2 cho biết, nếu thông báo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật được chủ đầu tư công bố một cách minh bạch và đầy đủ thông tin, nói rõ lý do các nhà thầu không đáp ứng được tiêu chí đặt ra, khả năng muốn làm rõ hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu còn được coi trọng. Và việc làm rõ này cũng sẽ được chủ đầu tư trả lời rõ ràng, có tính thuyết phục hơn. Tuy nhiên, với những thông báo kết quả đánh giá “mơ hồ”, “thiếu tính thuyết phục” thì nhà thầu cùng lắm cũng chỉ gửi văn bản kiến nghị với nội dung “nhà thầu không chấp nhận/không phục kết quả”. “Vì thực sự với những thông báo kết quả như vậy, chúng tôi không biết lý do mình bị loại là gì để mà kêu cứu”, ông Tiến than thở.

Còn một nội dung rất mới trong TT 23 là “các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật có thể cử đại diện tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính”. Tuy nhiên, với nhiều nhà thầu, nếu việc đánh giá hồ sơ dự thầu đã thực hiện không minh bạch, công bố kết quả đánh giá cho có lệ, bên mời thầu đã thể hiện sự “bất hợp tác” với các nhà thầu có thiện ý. Do đó, việc cử đại diện tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về tài chính sẽ “rất phí thời gian” hoặc sẽ mở màn cho những “tranh cãi không có hồi kết” cho cả bên mời thầu và nhà thầu.

Có một thực trạng đáng buồn là khi các chủ đầu tư/bên mời thầu đã lợi dụng triệt để việc đánh giá HSĐX về kỹ thuật để loại ngay từ đầu các nhà thầu nhiều tiềm lực, họ “quyết tâm” chỉ để nhà thầu “ruột” lọt vào vòng đánh giá đề xuất tài chính. Để rồi sau đó, các bên mời thầu đã lúng túng, bí bách và không biết trả lời thế nào với các nhà thầu mạnh, am hiểu Luật Đấu thầu về kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu. Do đó, họ dây dưa, kéo dài thời gian để nhà thầu hết kiên nhẫn mà bỏ cuộc. Điều đó lý giải phần nào, hiện nay, nhiều kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, mà qua đó ai cũng nhận ra, giá trúng thầu khớp một cách “kỳ ảo” với giá gói thầu, hoặc số tiền tiết kiệm cho ngân sách từ đấu thầu chỉ là vài đồng lẻ.           

Tin cùng chuyên mục