5 ngày truy tìm nhóm chiếm đoạt 500 tỷ đồng

Nhóm nghi phạm do người nước ngoài cầm đầu đã làm giả cuộc gọi xuất phát từ đường dây nóng của Bộ Công an để lừa nạn nhân chuyển tiền, ước tính chiếm đoạt 500 tỷ đồng.

Ngày 8/1, trình báo tại Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Quảng Nam), chị Tình (38 tuổi, thành phố Tam Kỳ) cho biết nhận cuộc gọi từ một phụ nữ xưng là nhân viên bưu điện tên Lan, thông báo chị có một giấy đòi nợ gần 37 triệu đồng do một ngân hàng chuyển đến. Nếu không thanh toán, chị sẽ bị công an phong tỏa tài khoản để điều tra.

Khi Tình nói không có nợ tiền của ai, Lan liền đề nghị liên hệ cơ quan công an để được hướng dẫn.

Tang vật vụ án bị tạm giữ. 

Tiếp theo, chị Tình nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 0692.34xxx của người giới thiệu làm ở Bộ Công an, muốn triệu tập chị để điều tra khoản nợ do liên quan việc thông tin cá nhân bị lộ ra ngoài. Lên mạng kiểm tra, chị thấy số điện thoại đúng là đường dây nóng của Bộ Công an nên tin tưởng.

Theo hướng dẫn của người này, chị Tình lập một tài khoản ngân hàng, đăng ký Internet Banking và dùng chính số điện thoại của mình làm mã OTP để nộp tiền vào. Chị được yêu cầu thực hiện một số thao tác cài đặt Internet Banking có sử dụng số điện thoại trên của Bộ Công an với lý do để "bảo mật thông tin".

Làm xong theo yêu cầu, chị Tình nộp gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy ngày sau chị kiểm tra thì số tiền không cánh mà bay, bởi tin nhắn rút, chuyển tiền được đăng ký báo về số điện thoại trên nên chị không hay biết. Biết bị lừa, chị trình báo công an.

Công an Quảng Nam cho biết cùng thời điểm một số người cũng thông báo bị mất tiền với thủ đoạn tương tự.

Thượng tá Ngô Quốc Ánh (Phó phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam) kể, nhóm chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài cầm đầu. Theo đó, năm 2018, Long Boon Leng (29 tuổi) và Lim Kean Kew (24 tuổi, cùng quốc tịch Malaysia) được nhóm người Đài Loan chỉ đạo nhập cảnh Việt Nam để kết nối với 8 đồng phạm lấy thông tin tài khoản cá nhân của nhiều người địa phương. Với dữ liệu có được, nhóm ở Đài Loan sẽ sử dụng tổng đài VoIP giả danh số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an để thực hiện chiêu lừa.

Chúng giả danh cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát thông báo đến các bị hại nợ tiền thanh toán qua thẻ ngân hàng hoặc liên quan các vụ án đặc biệt nghiêm trọng... Từng bước buộc nạn nhân làm theo hướng dẫn, chúng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng trực tuyến rồi giao cho 10 người ở Việt Nam rút tiền.

Nghi can cầm đầu Long Boon Leng tại cơ quan công an.

Công an Quảng Nam xác định nếu không sớm bắt sớm nhóm này, nhiều người khác sẽ bị chiếm đoạt tài sản. Hơn nữa, nếu các nghi phạm xuất cảnh thì sẽ bỏ lọt tội phạm dù rằng đây là án mờ, thủ phạm không rõ ràng.

Dù hệ thống máy chủ đặt ở ngoài lãnh thổ, cảnh sát sau đó đã lần ra manh mối. Dịp cận Tết, hàng chục trinh sát lên đường đến các tỉnh phía Nam truy bắt thủ phạm. Ngày 13/1, các tổ công tác bắt 10 người tại nhiều địa điểm.

10 người bị bắt.

Cơ quan điều tra tạm giữ 57 điện thoại, 289 sim điện thoại, 50 thẻ ATM và nhiều tài liệu liên quan. Nhà chức trách xác định nhóm này đã nắm giữ trên 100.000 thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân của người Việt Nam.

"Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng bị thu giữ, ước tính nhóm này đã chiếm đoạt của các bị hại trên cả nước hơn 500 tỷ đồng. Chúng tôi đã ngăn chặn, phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng với tổng số tiền 3,7 tỷ đồng", thượng tá Ánh thông tin.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, lực lượng cảnh sát hình sự đã nghiên cứu, nắm vững phương thức thủ đoạn hoạt động nên khi phát hiện đã đấu tranh ngăn chặn kịp thời với sự phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Long Boon Leng (29 tuổi) và Lim Kean Kew (24 tuổi, cùng quốc tịch Malaysia) và 8 đồng phạm đang bị tạm giữ.

Công an Quảng Nam đề nghị các bị hại cung cấp thêm thông tin để cơ quan điều tra có thêm căn cứ xử lý hành vi của nhóm nghi phạm trên.

* Tên bị hại đã thay đổi

Tin cùng chuyên mục