Bất cập chuyển nhượng thu phí Dự án Xa lộ Hà Nội

(BĐT) - Kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong chuyển nhượng quyền quản lý thu phí giao thông Dự án Xa lộ Hà Nội tại TP.HCM. 
Quyền quản lý thu phí giao thông Xa lộ Hà Nội đã được chuyển về Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Nhã Chi
Quyền quản lý thu phí giao thông Xa lộ Hà Nội đã được chuyển về Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Nhã Chi

Việc chuyển nhượng quyền quản lý này được thực hiện nhằm hoàn vốn ứng trước để xây dựng cầu Rạch Chiếc - cây cầu có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Chênh lệch tăng chi phí duy tu, bảo dưỡng

Ngày 20/8/2002, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 96A/2002/QĐ-UB về chuyển quyền quản lý thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ (Xa lộ Hà Nội) và đường Hùng Vương nối dài (đường Kinh Dương Vương). Theo đó, chuyển quyền quản lý thu phí giao thông đường Điện Biên Phủ từ Công ty Sản xuất kinh doanh thương mại và Dịch vụ thanh niên xung phong và quyền quản lý thu phí giao thông đường Hùng Vương nối dài từ Công ty Đầu tư và Dịch vụ TP.HCM cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Công ty CII) với giá trị chuyển nhượng là 1.000 tỷ đồng.

Theo quyết định của UBND TP.HCM, từ ngày 31/5/2013, trạm Xa lộ Hà Nội và tuyến đường Hùng Vương chấm dứt việc thu phí. Ngày 29/10/2013, Sở Tài chính TP.HCM và Công ty CII đã ký biên bản thanh lý hợp đồng và xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng là ngày 31/5/2013. CII đã thu hồi hoàn vốn số tiền hơn 151 tỷ đồng; số tiền chưa thu hồi là hơn 157 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra của TTCP cho thấy, trong tổng số tiền 157 tỷ đồng chưa thu hồi nêu trên có gần 148,6 tỷ đồng được khoán chi phí và 8,4 tỷ đồng phát sinh ngoài khoán và đã được phê duyệt. TTCP cho rằng, trong 8,4 tỷ đồng phát sinh này có gần 3,3 tỷ đồng là tiền thuê nhà trạm Kinh Dương Vương (bao gồm cả lãi phát sinh) đã nằm trong chi phí quản lý. Do vậy, giá trị 3,3 tỷ đồng này được quyết toán là chưa đúng quy định của Hợp đồng số 69/TLHĐ-CII được ký kết giữa Sở Tài chính Thành phố với CII.

Đặc biệt, theo quy định tại Hợp đồng số 01/2002/HĐCN giữa Sở Tài chính TP.HCM với Công ty CII, chi phí duy tu bảo dưỡng được khoán bằng 2% tổng doanh thu để sửa chữa thường xuyên và trung tu một lần các tuyến đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh và Hùng Vương. Thực hiện hợp đồng, Công ty CII và Sở Tài chính Thành phố đã quyết toán chi phí duy tu, bảo dưỡng là 39,5 tỷ đồng theo phương án khoán. Tuy nhiên, trên thực tế, chi phí này lại lên đến gần 45,3 tỷ đồng. Như vậy, chênh lệch tăng giữa duy tu thực tế và khoán là gần 5,8 tỷ đồng. 

Quyết toán tăng sai tiền tỷ

Ngày 2/12/2008, UBND TP.HCM đã ký Hợp đồng số 01/2008/HĐCN với Công ty CII về việc chuyển nhượng quyền quản lý, thu phí giao thông trên Xa lộ Hà Nội. Việc chuyển nhượng quyền quản lý này nhằm hoàn vốn ứng trước để xây dựng cầu Rạch Chiếc được Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 trực thuộc Sở GTVT TP.HCM quản lý xây dựng.

Ngày 8/9/2015, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc đã được Sở Tài chính TP.HCM phê duyệt quyết toán gần 825 tỷ đồng. Qua xem xét, TTCP cho biết, theo quy định về hệ thống thang, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, phụ cấp lưu động trong đơn giá tiền lương đối với lĩnh vực giao thông là 20% tính trên lương tối thiểu chung. Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành quy định về điều chỉnh chi phí nhân công, máy thi công không đúng quy định dẫn đến chi phí nhân công trong quyết toán tăng sai gần 3,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo hợp đồng chuyển nhượng, quản lý quyền thu phí, chi phí duy tu, bảo dưỡng cầu là 2% doanh thu thu phí với giá trị hơn 10 tỷ đồng (6 tháng năm 2013 là hơn 3 tỷ đồng, năm 2014 gần 7 tỷ đồng) phải được chuyển trả cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, đến tại thời điểm thanh, kiểm tra (năm 2016), Công ty CII chưa chuyển số tiền hơn 10 tỷ đồng này cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 2.

Tin cùng chuyên mục