Bộ NN&PTNT rốt ráo rà soát giấy phép con

(BĐT) - Hàng chục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản khác nhau thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ được “gói”trong một nghị định rút gọn sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành tới đây.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Theo quy định Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7 tới đây, các điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. “Sốt ruột” với vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản yêu cầu các bộ đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh.

Được đánh giá là một trong những đơn vị tích cực triển khai rà soát, soạn thảo nhằm ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần Luật DN, Luật Đầu tư mới, Bộ NN&PTNT đang đạt được những bước tiến ghi nhận trong công tác này.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ NN&PTNT cho hay: “Nhận thức được sự cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho DN, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã nỗ lực rà soát, soạn thảo ban hành văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực NN&PTNT”.

Theo bà Kim Anh, Bộ NN&PTNT là đơn vị quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản... Theo Phụ lục 4 của Luật Đầu tư mới, có tới 35 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Bộ quản lý với khối lượng văn bản cần rà soát tương đối lớn. Cụ thể, Bộ thực hiện rà soát 69 văn bản, bao gồm 7 luật, 5 pháp lệnh, 17 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Kết quả rà soát xác định Bộ có 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định điều kiện kinh doanh cần được quy định tại Nghị định của Chính phủ; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 nghị định để phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư mới.

Kiên quyết bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không phù hợp

Có ý kiến cho rằng, thời gian từ nay tới thời điểm ngày 1/7 tới không còn nhiều, áp lực đối với công tác rà soát, soạn thảo ban hành văn bản hướng dẫn quy định về đầu tư kinh doanh là do các bộ quá “đủng đỉnh” trong công tác triển khai thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư.
Thông tin về sự cần thiết phải bãi bỏ những điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ bị coi là không phù hợp với Luật Đầu tư mới ở lĩnh vực NN&PTNT, bà Kim Anh cho biết: “Khi rà soát các văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với lĩnh vực thuộc Bộ quản lý, chúng tôi nhận thấy có những điều kiện kinh doanh được quy định chung chung như: điều kiện nhà xưởng là phải phù hợp, trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu… song lại không có quy định cụ thể nào thì Bộ kiên quyết bãi bỏ. Hoặc có những điều kiện đầu tư kinh doanh như kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản thuộc danh mục 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng đến thời điểm này điều kiện đó cũng không có quy định cụ thể hơn nên Bộ NN&PTNT cũng trình Chính phủ không quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề này”.

“Việc nâng cấp quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh này không phải thực hiện một cách cơ học mà được chúng tôi xem xét lại toàn bộ tính phù hợp dựa trên cơ sở thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan như: tính khả thi, sự thông thoáng… cho DN” – bà Kim Anh nói.

Có ý kiến cho rằng, thời gian từ nay tới thời điểm ngày 1/7 tới không còn nhiều, áp lực đối với công tác rà soát, soạn thảo ban hành văn bản hướng dẫn quy định về đầu tư kinh doanh là do các bộ quá “đủng đỉnh” trong công tác triển khai thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư. Liên quan đến điều này, bà Kim Anh cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư mới, chúng tôi cũng nhận thấy có những khó khăn cần được chỉ đạo giải quyết. Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn này đôi khi còn chưa kịp thời nên phần nào ảnh hưởng đến công tác triển khai. Chẳng hạn như việc nhận diện thế nào là điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Luật cũng cần sự thống nhất bởi thực tế vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau”.

Dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ trước ngày 30/5 tới đây.

Tin cùng chuyên mục