Bổ sung quy định về kiểm tra đấu thầu

(BĐT) - Nhiều nội dung được đề nghị bổ sung nhằm khắc phục bất cập trong việc kiểm tra hoạt động đấu thầu, trong đó có nội dung kiểm tra quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP.
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định kiểm tra việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP để phù hợp với Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định kiểm tra việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP để phù hợp với Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều bất cập trong kiểm tra đấu thầu

Đánh giá công tác kiểm tra trong hoạt động đấu thầu thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Trương – Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, để hướng dẫn kiểm tra trong hoạt động đấu thầu, năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 01/2011/TT-BKHĐT ngày 4/1/2011 quy định chi tiết kiểm tra về công tác đấu thầu. Mặc dù cơ chế kiểm tra hoạt động đấu thầu đã có, nhưng theo ông Nguyễn Đăng Trương, thực tế chỉ có một vài hoặc rất ít bộ, ngành và địa phương tổ chức cuộc kiểm tra hoạt động đấu thầu một cách độc lập, mà thường lồng ghép vào các cuộc kiểm tra tổng thể về đầu tư, hoặc chỉ tiến hành khi có đơn khiếu nại, tố cáo. Các cuộc kiểm tra cũng chỉ mang tính nội bộ, nên không mang tính khách quan và nghiêm túc. Công tác đấu thầu đã được phân cấp mạnh nhằm tạo sự chủ động cho đơn vị thực hiện, nhưng nếu buông lỏng việc kiểm tra, giám sát, thì đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý.

Số cuộc kiểm tra về hoạt động đấu thầu đã ít, chất lượng các cuộc kiểm tra càng đáng bàn hơn. Trình độ năng lực của trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra hạn chế, nên không phát hiện được các lỗi sai hoặc có phát hiện được thì cũng lúng túng, không biết xử lý thế nào.

Phát hiện ra sai sót, hành vi vi phạm đã khó, việc ra được kết luận kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý sai phạm lại càng khó hơn nữa, nhiều khi bị chi phối bởi một lý do “tế nhị” nào đó. Thậm chí, ông Nguyễn Đăng Trương lấy ví dụ, kết quả kiểm tra cho thấy nhà thầu A có hành vi thông thầu, nếu chiểu theo quy định của pháp luật, đây là một trong những hành vi bị cấm, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Tuy nhiên, do áp lực của lãnh đạo, hay bị chi phối bởi lợi ích nhóm, mà bộ đó không ra quyết định cấm, thậm chí ra sức bênh vực, bao che nhà thầu “sân sau” đó, bởi vì không ai muốn “chặt cánh tay mình” một khi đã có lợi ích trong đó.

Hoàn thiện, bổ sung nhiều quy định

Số cuộc kiểm tra về hoạt động đấu thầu đã ít, chất lượng các cuộc kiểm tra càng đáng bàn hơn. Trình độ năng lực của trưởng đoàn và các thành viên đoàn kiểm tra hạn chế, nên không phát hiện được các lỗi sai hoặc có phát hiện được thì cũng lúng túng, không biết xử lý thế nào.
Từ những khó khăn, vướng mắc và bất cập nêu trên, ông Trần Đăng Quang – Trưởng phòng Đấu thầu thuộc Cục QLĐT cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01, trong đó có điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới như yêu cầu năng lực đối với các thành viên Đoàn kiểm tra, thời gian kiểm tra và ra kết luận kiểm tra… Theo kế hoạch, Bộ sẽ ban hành Thông tư này vào tháng 6/2016.

Để nâng cao chất lượng kiểm tra hoạt động đấu thầu, ông Vũ Văn Hưng cán bộ của Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho rằng: “Việc nâng yêu cầu đối với trưởng đoàn kiểm tra phải có kinh nghiệm tối thiểu là 5 năm và thành viên đoàn kiểm tra phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm là rất cần thiết. Đấu thầu thuốc là một lĩnh vực đặc thù, do đó đòi hỏi thành viên của đoàn kiểm tra về hoạt động đấu thầu thuốc phải có trình độ chuyên môn và sự am hiểu sâu về lĩnh vực này thì mới có thể kiểm tra và phát hiện được những sai phạm của chủ đầu tư, nhà thầu và các bên liên quan”.

Mặc dù đa số thống nhất với quan điểm này, nhưng một số ý kiến vẫn cho rằng, việc yêu cầu trưởng đoàn phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong hoạt động đấu thầu là phi thực tế. Bởi vì, trưởng đoàn kiểm tra ở địa phương thường là cấp lãnh đạo sở (một số trường hợp đặc biệt là cấp trưởng phòng), ở bộ ngành là lãnh đạo cấp cục, nếu lãnh đạo phụ trách quản lý hoạt động đấu thầu đó mới được bổ nhiệm thì khó có thể đáp ứng yêu cầu này. “Nên chăng, yêu cầu về kinh nghiệm tối thiểu của trưởng đoàn kiểm tra là 3 năm sẽ khả thi hơn”, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM nêu ý kiến.

“Ngoài quy định kiểm tra hoạt động lựa chọn nhà thầu, liệu có nên bổ sung quy định kiểm tra đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án sử dụng đất hay không?”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục QLĐT đặt vấn đề. Từ thực tế ngành giao thông, ông Vũ Quang Trường, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải đề nghị: “Cần bổ sung nội dung này vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Thông tư để phù hợp với Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Thực tế triển khai các dự án PPP giao thông cho thấy có rất nhiều lỗ hổng trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư”.             

Tin cùng chuyên mục