Chủ tịch công ty bị cáo buộc chiếm đoạt 1.886 tỷ của DAB

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vốn Thái Thịnh, ông Nguyễn Thiện Nhân, bị cáo buộc cùng đồng phạm chiếm đoạt 1.886 tỷ đồng của DongABank.
Ông Trần Phương Bình trong lần ra tòa năm 2019.
Ông Trần Phương Bình trong lần ra tòa năm 2019.

Nguyễn Thiện Nhân và vợ Nguyễn Thanh Thúy (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lê Minh MC), Nguyễn Ngọc Minh (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vốn Thái Thịnh Đà Lạt - TTC Đà Lạt) cùng Nguyễn Đắc Hiệp (Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Viên) bị cáo buộc hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sai phạm của những người này bị phát hiện trong quá trình Bộ Công an điều tra ông Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch HĐTD, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á – DAB) cùng 12 đồng phạm gây thiệt hại 9.640 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhân, Ngọc và Hiệp đã bỏ trốn nên nhà chức trách tách nội dung này thành vụ án khác, xử lý sau.

Theo điều tra, Nhân nhờ người thân và nhân viên đứng tên thành lập hàng loạt công ty con như: Thái Thịnh Đà Lạt - TTC Đà Lạt, Công ty cổ phần Lê Minh MC, Vĩnh Đức Sài Gòn, Tài Lộc, Cao Đạt, Bắc Bình... nhưng mọi hoạt động đều do ông ta điều hành.

Trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2012, Nhân và đồng phạm sử dụng các pháp nhân các công ty này vay hàng chục khoản trị giá hàng nghìn tỷ đồng của DAB để kinh doanh và đảo nợ. Các khoản vay đều liên quan đến nhau, hoặc khoản vay trước trở thành tài sản đảm bảo cho khoản vay sau. Tổng cộng, Nhân và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 1.886 tỷ đồng của nhà băng.

Trong đó, năm 2007, Nhân nhờ người quen đứng tên vay 11 khoản, tổng số tiền gần 900 tỷ đồng, để đầu tư vào dự án Khu đô thị Vĩnh Thái (Khánh Hòa). Tài sản đảm bảo là phần vốn góp của 11 cá nhân đứng tên vay.

Một năm sau, Nhân sử dụng pháp nhân 6 công ty thuộc nhóm TTC vay DAB thêm 1.086 tỷ, tài sản đảm bảo là dự án Richland Hill (quận 9, ngân hàng định giá khoảng 1.432 tỷ). Trong đó, ông ta sử dụng 1.037 tỷ trả nợ gốc và lãi cho 11 khoản vay trước, còn lại dùng vào mục đích cá nhân.

Tương tự, Nhân nhiều lần lập hồ sơ vay các khoản mới để đảo nợ cho các khoản vay cũ. Trong đó, ông ta lấy pháp nhân Công ty cổ phần Lê Minh MC do vợ đứng tên, vay 442 tỷ đồng của DAB. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất tại dự án chung cư cao tầng và nhà liền kề khu đô thị Hùng Vương - Tiền Châu (Vĩnh Phúc). Thực tế tài sản này không có giá trị pháp lý vì đã thế chấp cho ngân hàng khác.

Nguyễn Thiện Nhân sau đó bỏ trốn khỏi nơi cư trú. TTC và Công ty Lê Minh MC đã ngưng hoạt động và không có khả năng chi trả. Như vậy, các khoản vay có nguồn gốc từ việc đầu tư dự án Khu đô thị Vĩnh Thái (Khánh Hòa) gây thiệt hại cho DAB 916 tỷ đồng nợ gốc và lãi.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của vợ chồng Nhân có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trong đó Nhân thực hiện chính, Thúy là đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, làm việc với cơ quan điều tra, Thúy khai Nhân đã lấy chứng minh nhân dân của mình rồi tự làm các thủ tục thành lập Công ty Lê Minh MC. Tất cả hồ sơ vay đều do chồng chuẩn bị, Thúy chỉ ký chứ không biết anh ta sử dụng tiền vào mục đích gì.

Cũng trong năm 2007, Công ty TTC được DAB bảo lãnh (theo chỉ đạo của ông Trần Phương Bình) vay 100 triệu USD của VinaCapital để mua và đầu tư một loạt dự án bất động sản tại TP HCM, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Những năm sau đó, thị trường bất động sản "đóng băng", việc kinh doanh cũng thua lỗ nên nhóm TTC không có khả năng trả nợ cho VinaCapital, kéo theo trách nhiệm của DAB với khoản vay này.

Sợ bị kiện ra trọng tài quốc tế, ông Bình chỉ đạo cho cấp dưới không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo lập tờ trình phê duyệt cho nhóm công ty của Nhân vay 4 khoản hơn 904 tỷ đồng để trả nợ cho VinaCapital. Trong đó, Nhân chỉ đạo Nguyễn Ngọc Minh sử dụng pháp nhân TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đồng của DAB và chiếm đoạt luôn khoản tiền này. Đến nay, khoản này gây thiệt hại cho DAB thêm 527 tỷ đồng (210 tỷ đồng gốc và hơn 317 tỷ đồng lãi).

Ba khoản vay còn lại, cơ quan điều tra xác định, sau nhiều lần ông Bình cho vợ chồng Nhân và Công ty Lâm Viên do Nguyễn Đắc Hiệp (Chủ tịch HĐQT) vay đảo nợ hiện nhóm nay không còn khả năng trả nợ hơn 1.251 tỷ đồng gốc và lãi.  Trong khoản thiệt hại này, nhà chức trách cho rằng, Nhân và đồng phạm có dấu hiệu giúp sức với Trần Phương Bình về tội Vi phạm quy định về về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, lợi dụng việc ông Bình nhờ đứng ra vay hơn 135 tỷ đồng để mua vàng bù đắp âm quỹ tại DAB, đối phó với Thanh tra Ngân hàng nhà nước, Nhân tiếp tục dùng công ty của vợ vay 185 tỷ đồng sau đó chiếm đoạt để trả nợ cho các khoản vay trước đó. Khoản vay này đến nay Nhân và đồng phạm không có khả năng trả nợ 444,3 tỷ đồng cả gốc và lãi.

Nhà chức trách xác định, việc để cho Nhân và đồng phạm chiếm đoạt số tiền lớn của DAB đều có nguồn cơn từ những sai phạm nghiêm trọng của ông Trần Phương Bình và cấp dưới.

Ông Bình cùng 12 đồng phạm nguyên là cán bộ DAB đang bị VKSND Tối cao truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng theo khoản 4 Điều 206 BLHS 2015, khung hình phạt 12-20 năm và tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 355 BLHS, khung hình phạt từ 20 năm đến tù chung thân.

Trong phạm vi giai đoạt hai của vụ án, ông Bình và đồng phạm bị cáo buộc cho 4 nhóm khách hàng là: Công ty TNHH Hiệp Phú Gia, Công ty TNHH Đồng Tiến, Công ty CP M&C, Công ty TNHH Tân Vạn Hưng vay và gây thiệt hại 9.640 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục