Đại biểu Quốc hội bức xúc vì luật xa rời thực tế

(BĐT) - “Trong xây dựng pháp luật dường như vai trò của Quốc hội chỉ là khâu cuối cùng. Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ, tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật”.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Câu nói nặng tâm tư này của đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa) được thốt lên trong Phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 28/3 về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016). Trăn trở này cũng được nhiều đại biểu khác bày tỏ. 

Nhiều chính sách không đi vào thực tiễn

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho biết, có trường hợp luật, pháp lệnh quy định những điều khoản rất nhân văn được cử tri đồng tình ủng hộ cao như Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh Người có công, nhưng khi tổ chức thực hiện lại không đảm bảo nguồn lực. Ví dụ, Nghị định 136 nâng mức trợ cấp cho người cao tuổi trên 80 tuổi từ 180 nghìn lên 270 nghìn đồng/tháng sau lại điều chỉnh xuống 2 mức là 270 nghìn và 180 nghìn. Những tồn tại, hạn chế ở trên là nguyên nhân dẫn đến luật ban hành nhưng chậm, thậm chí một số điều, khoản không đi vào cuộc sống. Từ đó dẫn đến việc nhờn luật và cuối cùng là làm giảm tính thượng tôn pháp luật.

Liên quan đến công tác xây dựng luật và việc ban hành luật, theo bà Huệ, có nhiều điều, khoản chưa cụ thể dẫn đến luật phải chờ nghị định, nghị định chờ thông tư hướng dẫn. Điều này đã tạo ra khoảng trống pháp luật, tạo cơ hội cho hiện tượng lách luật và dẫn đến nhiều hệ lụy. Có trường hợp thủ kho to hơn thủ trưởng, tức là nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định, thậm chí thông tư hướng dẫn không đúng với nghị định. Ví dụ, như Thông tư liên tịch 08 của Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ (Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC) hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 (Nghị định số 116/2010/NĐ-CP) của Chính phủ về chính sách phụ cấp thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở các xã đặc biệt khó khăn thì lại hướng dẫn cho cả các xã ATK, xã biên giới, xã bãi ngang ven biển được đầu tư chương trình 135 cùng hưởng. Điều này không những làm thiệt hại ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng mà còn gây tâm lý không tốt cho một bộ phận nhân dân.

Cũng liên quan đến việc luật xa rời thực tiễn, Đại biểu Lê Nam lấy ví dụ cụ thể, lần xây dựng Luật Đất đai, rất nhiều vị đại biểu tha thiết đề nghị nên có chính sách điều chỉnh trong giao đất nông nghiệp, nên thừa nhận sở hữu tư nhân với đất ở của người dân nhưng đã không được chấp nhận. “Đến khi giám sát nhân dân bỏ ruộng và trả ruộng, chúng tôi mới thấm câu ca có từ lâu: đại biểu phát biểu rất hay, nhưng tiếp thu rất gay, nên xin giữ như dự thảo” – ông Lê Nam nói.

Khi đánh giá về công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, ở góc nhìn của mình, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, 5 năm qua là một quãng thời gian vừa ngắn, lại vừa dài với Quốc hội. "Ngắn là khi chúng ta mặc dù đã rất cố gắng, nỗ lực, nhưng Quốc hội, mà cụ thể là từng đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng hết được những gửi gắm, mong muốn, kỳ vọng, yêu cầu của cử tri. Dài là khi những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, trong chính sách được cử tri nêu hoài, nêu mãi, kỳ họp sau nối tiếp kỳ họp trước, mà chưa được giải quyết rốt ráo khiến cử tri thất vọng, nản lòng, còn đại biểu thì có cảm giác lực bất tòng tâm" – ông Tâm lý giải.

Pháp luật tốt còn phụ thuộc vào thực thi

Đại biểu Trần Khắc Tâm nêu quan điểm, một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, mạnh hay yếu là do thể chế quyết định. Hiến pháp là nền móng của thể chế. Quốc hội cũng đã chứng tỏ nỗ lực quyết liệt để hoàn thiện thể chế. Nhưng, thể chế tốt hay không thì không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách, pháp luật, mà còn chủ yếu phụ thuộc vào con người thực hiện.

“Chủ trương rất hay, pháp luật rất đúng, nhưng người thực hiện năng lực yếu, đạo đức kém thì những lẽ hay, điều đúng ấy cũng khó có thể đi vào cuộc sống. Những khó khăn, trở ngại trong việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư gần đây là các ví dụ điển hình”, ông Tâm nói.

Theo đó, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy. “Một hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giảm được biên chế, thì sẽ không thể tiến hành cải cách được chế độ tiền lương. Không cải cách được chế độ tiền lương thì khó có thể chống được tham nhũng, cửa quyền” – đại biểu này đặt vấn đề.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) chỉ rõ, một hạn chế khác nữa là việc lấy phiếu tín nhiệm. Nhân dân chưa đồng tình vì quy định quá "rối rắm" ở 3 mức còn “lập lờ” (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) thì làm sao có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ. “Tôi đề nghị chỉ nên quy định hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm thì mới tạo bước ngoặc đột phá nhằm nâng cao năng lực, vai trò trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm. Từ đó, quyền lực của Quốc hội được nâng lên, nhân dân càng tin tưởng”.

Ông Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh, “sự đánh giá của cử tri đôi lúc rất nghiệt ngã nhưng cũng công bằng và độ lượng. Tôi mong rằng, Quốc hội khóa mới sẽ khắc phục được những tồn tại của khóa cũ để hoạt động tốt hơn”.

Tin cùng chuyên mục