Đau đầu khi hậu kiểm thành lập doanh nghiệp

(BĐT) - Hàng trăm đại biểu trên cả nước đã ngồi lại với nhau tại Hội nghị Phối hợp công tác đăng ký kinh doanh - đăng ký thuế diễn ra ngày 30/5 tại Hà Nội để bàn cách quản lý doanh nghiệp (DN) sau khi thành lập. 
Không ít thông tin DN kê khai trên hồ sơ đăng ký thành lập không đúng với thực tế. Ảnh: Ngọc Anh
Không ít thông tin DN kê khai trên hồ sơ đăng ký thành lập không đúng với thực tế. Ảnh: Ngọc Anh

Có quá nhiều vấn đề phát sinh đòi hỏi sự vào cuộc và phối hợp nhuần nhuyễn hơn giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh.

Gần 15.000 doanh nghiệp “mất tích”

Thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN cho biết, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập DN mới của cả nước hiện chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký DN là 2,05 ngày, nhanh hơn so với quy định của Luật DN năm 2014. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn là gần 90%. Đối với các địa phương đã cấp mã số DN tự động, thời gian cấp mã số DN chỉ còn trung bình khoảng 30 phút so với 30 giờ như trước đây.

Đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, không ít vấn đề nổi cộm cũng đã phát sinh trên thực tế. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 10 năm phối hợp công tác giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Đến nay, cả nước mới có 28/63 tỉnh, thành phố thực hiện cấp mã số DN tự động, khâu quan trọng giúp rút ngắn thời gian tham gia thị trường của DN.

Chỉ rõ tồn tại trong công tác quản lý thông tin kinh doanh - đăng ký thuế của DN sau thành lập, bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế thuộc Tổng cục Thuế cho rằng, do cơ chế “tiền đăng - hậu kiểm” nên đã phát sinh một số thông tin DN kê khai trên hồ sơ đăng ký DN không đúng với thực tế như: địa chỉ trụ sở, số điện thoại,… Những thông tin này ít được “hậu kiểm”, các cơ quan quản lý DN khi phát hiện cũng chưa thông báo kịp thời, hoặc có phát hiện cũng chưa thực hiện xử phạt vi phạm, dẫn đến việc khi cơ quan quản lý nhà nước cần liên hệ với DN thì không tìm được DN theo địa chỉ đã đăng ký. Dẫn số liệu Báo cáo rà soát DN thực hiện giữa 3 cơ quan Thống kê - Đăng ký kinh doanh - Thuế phục vụ công tác tổng điều tra kinh tế năm 2017, bà Mai thông tin, cả nước có tới gần 15.000 DN không liên lạc được bằng điện thoại, email hoặc không tìm thấy tại địa chỉ đã đăng ký. 

Cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm

Từ những vướng mắc, tồn tại nêu trên, ông Bùi Anh Tuấn kiến nghị, trong thời gian tới, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm loại bỏ những tồn tại, hạn chế trong công tác này, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Đơn cử như việc hai cơ quan phối hợp chặt chẽ trong việc tạo mã số DN tự động trên toàn quốc nhằm rút ngắn tối đa thời hạn cấp đăng ký thành lập DN; đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN và cơ sở dữ liệu tại hệ thống thuế; phối hợp chặt chẽ công tác quản lý nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập…

Ủng hộ đề xuất trên, bà Lê Thu Mai cho rằng, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định về pháp luật còn chưa thống nhất hoặc chưa đầy đủ để quản lý DN hiệu quả và làm cơ sở phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan; hoàn thiện các ứng dụng tin học quản lý của mỗi bên và ứng dụng kết nối trao đổi thông tin, phối hợp tìm biện pháp quản lý để xử lý vi phạm và thu nợ thuế đối với các DN giải thể còn nợ thuế, các DN bỏ kinh doanh,...

Không ít ý kiến cho rằng, cần nâng mức xử phạt DN vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh sau khi thành lập. Hiện tại mức xử phạt quá thấp. Đơn cử trường hợp DN thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý thì mức xử phạt cũng chỉ từ vài trăm nghìn đến 2 triệu đồng, không đủ sức răn đe.

Tin cùng chuyên mục