Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Doanh nghiệp vẫn “kêu” khó

(BĐT) - Mặc dù ghi nhận sự tiếp thu của Ban soạn thảo Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn cho rằng, Dự thảo Luật cần giải quyết được vướng mắc trong thủ tục thuế hiện nay, đang gây khó khăn cho DN gia nhập thị trường cũng như tạm ngừng, giải thể; tránh quy định chồng chéo...
Một số quy định về thủ tục thuế bị cho là gây khó khăn cho việc ra vào thị trường của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Một số quy định về thủ tục thuế bị cho là gây khó khăn cho việc ra vào thị trường của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

DN khó chuyển nhượng tài sản khi giải thể

Nhìn chung, cộng đồng DN cho rằng, Dự thảo Luật đã có nhiều điểm tiến bộ đáng ghi nhận. Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi được nhiều DN tán đồng nhất là áp dụng nguyên tắc bản chất thay cho hình thức. Nếu có sơ suất về hình thức thì không bị đánh giá là gian lận thuế, trốn thuế…

Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn cho rằng còn có một số quy định về thủ tục thuế gây khó khăn cho DN. Việc ra vào thị trường là quyền tự do của mỗi DN. Có ý kiến cho rằng, DN đang hoạt động mà tạm ngừng 1 năm thì không nhất thiết phải thông báo với cơ quan thuế về việc hoạt động trở lại trước thời hạn. Một số DN muốn làm thủ tục ngừng hoạt động, giải thể, nhưng không được cơ quan thuế xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, nên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc chuyển nhượng tài sản cho đối tác.

Đối với trường hợp DN đã nộp thừa thuế, nộp sai thuế, có ý kiến cho rằng, nên cho phép DN đó được đối trừ thuế và quy định thẩm quyền của người cho phép được đối trừ. Trong trường hợp chưa được bù trừ thì không nên xử phạt chậm nộp. Bởi vì, đối với một DN, đặc biệt là DN niêm yết trên sàn chứng khoán, việc bị cơ quan thuế xử phạt tác động xấu đến uy tín, thương hiệu và chỉ số chứng khoán.

Hay liên quan đến việc nên hay không nên cho phép đại lý tư vấn thuế được hành nghề tư vấn kế toán, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng Dự thảo Luật không nên quy định chồng lấn với Luật Kế toán. Điều kiện để hành nghề kế toán hiện nay là rất khó với yêu cầu rất cao về chất lượng, trình độ, đòi hỏi đáp ứng nhiều điều kiện về vốn, cập nhật kiến thức, thời gian kinh nghiệm... Do đó, thực tế rất ít DN đủ điều kiện để hành nghề kế toán. Không những thế, hiện có nhiều công ty, văn phòng luật sư cũng thực hiện cả tư vấn thuế và tư vấn kế toán, liệu chất lượng kế toán có được đảm bảo? Tại sao không kiểm soát những đơn vị hành nghề kế toán phi chính thức? Tại sao phải trèo lấn vào sân nhau, trong khi dư địa để hành nghề kế toán cũng như hành nghề đại lý tư vấn thuế còn rất nhiều?

Ngược lại, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc cho phép đại lý thuế được hành nghề kế toán là đáp ứng đúng nhu cầu thực tế. Việt Nam có tới 95% DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chưa kể hộ kinh doanh... Đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, họ không thể thuê 2 dịch vụ riêng biệt, mà đại lý tư vấn thuế sẽ phải kiêm luôn nhiệm vụ tư vấn kế toán cho DN đó, từ đó mới tư vấn được về thuế cho DN. Dù pháp luật có cấm thì các đại lý thuế vẫn phải làm chui. Do đó, nên tạo cơ chế mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại lý thuế. Để kiểm soát chất lượng tư vấn kế toán của đại lý thuế, văn phòng luật sư, nên chăng có thêm điều kiện, quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề kế toán? 

Đảm bảo nguyên tắc tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Đồng ý với việc cần nghiên cứu đề xuất DN nộp thừa thuế thì được đối trừ thuế thay vì bị phạt nộp sai, nộp chậm, tuy nhiên, ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - đại diện Ban soạn thảo lưu ý rằng, việc bù trừ này phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Để làm được điều này, còn phụ thuộc yếu tố khác như sự liên thông giữa các cơ quan chức năng.

Lý giải vì sao Dự thảo Luật sửa đổi có quy định khi DN hoạt động trở lại trước thời hạn thì phải có văn bản thông báo với cơ quan thuế, ông Cao Anh Tuấn cho rằng, sở dĩ quy định như vậy là để quản lý chặt chẽ hoạt động của DN. Bởi vì trong thời gian DN tạm ngưng hoạt động, hóa đơn của DN sẽ không có giá trị, không được pháp luật thừa nhận.

Còn đối với việc đại lý thuế có được hành nghề kế toán hay không, ông Tuấn cũng cam kết sẽ tiếp thu để nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, các quy định đều phải dựa trên nguyên tắc là hướng tới tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cả những người trung gian như đại lý thuế... Thay vì đưa ra một điều kiện kinh doanh thì có thể yêu cầu DN đăng ký, hoặc giao cho các trường hay hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề. Theo kinh nghiệm ở Mỹ, một chứng chỉ hành nghề có thể thực hiện được cả nhiều lĩnh vực như thuế, kế toán...

Tin cùng chuyên mục