Hà Nội: Tiếp tục trả hồ sơ vụ án kéo dài hơn… 9 năm

Sau khi Tòa cấp cao tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng, Tòa Hà Nội mở lại phiên xử theo trình tự sơ thẩm. Song, tòa cấp sơ thẩm tiếp tục trả hồ sơ lần nữa vì xuất hiện tình tiết mới.
Phiên tòa sơ thẩm được mở lại ngày 16/9
Phiên tòa sơ thẩm được mở lại ngày 16/9

Điều tra viên đến nhà bị cáo để… xin lỗi?

Ngày 16/9, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xử theo trình tự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Huy Khang (SN 1959, ở Bắc Giang) và Nguyễn Đình Bang (SN 1951, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, năm 2010, ông Bang và Khang đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu của UBND tỉnh Hà Tây trước ngày 31/7/2008 về việc xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp An Khánh, trong khi Đề án quy hoạch Dự án khu trung tâm thương mại dịch vụ và Nhà ở cao cấp An Khánh đang được rà soát, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sau khi tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội sát nhập.

Theo cáo buộc, hai bị cáo đã tạo dựng các hợp đồng, quyết định, biên bản không có thật để giới thiệu với ông Thái Khắc Toàn - Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Huy Phát (Công ty Huy Phát).

Ông Khang khẳng định mình là Giám đốc Công ty Trường Sinh để ông Toàn tin là thật và ký hợp đồng góp vốn, tham gia đầu tư Dự án An Khánh, nhằm chiếm đoạt 22 tỷ đồng và 7.000 USD góp vốn của công ty Huy Phát do ông Toàn đại diện ủy quyền.

Cáo trạng cho rằng, ông Toàn đã chuyển 19 tỷ đồng vào tài khoản của ông Bang và 3 tỷ đồng cùng 7.000 USD được giao trực tiếp cho ông Khang.

Sau khi nhận tiền, các bị cáo không dùng số tiền này đầu tư vào Dự án An Khánh mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân hết.

Tại phiên tòa ngày 16/9, ông Bang khai, sau khi ông được tại ngoại, một cán bộ điều tra (người trực tiếp điều tra vụ án) đã đến tìm gặp ông để trao đổi về vụ án. Theo ông Bang, người này bày tỏ sự hối hận và xin lỗi bị cáo vì đã làm sai lệch hồ sơ vụ án (!?).

Cũng tại phiên xử, ông Bang cung cấp cho HĐXX 6 đoạn video và các bản dịch là các cuộc trao đổi giữa bị cáo và điều tra viên trên thể hiện trong các đoạn video.

Theo lời khai của ông Bang trước tòa, những đoạn video này nói lên bản chất của vụ án, trong đó thể hiện nội dung điều tra viên đã hướng dẫn những người khác khai báo không đúng sự thật, tạo dựng chứng cứ để làm oan sai cho ông.

Trước những chứng cứ mới mà bị cáo Bang cung cấp, HĐXX tạm dừng phiên xử để hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra, làm rõ các đoạn video mà ông Bang cung cấp.

Vì sao vụ án kéo dài hơn 9 năm?

Vụ án này đã kéo dài hơn 9 năm với nhiều lần được đưa ra xét xử. Bị cáo trong vụ án này cũng đã được tạm tha sau 5 năm rưỡi bị bắt giam.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án từ ngày 12/8/2010. Bị cáo Nguyễn Đình Bang bị bắt giam từ ngày 22/12/2010, đến ngày 1/6/2016 thì được tạm tha.

Tháng 11/2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Huy Khang 18 năm tù, Nguyễn Đình Bang 16 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến tháng 10/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm , trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại, bản án phúc thẩm số 683 ngày 13/10/2017 của TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng, ông Bang và ông Toàn không có quan hệ quen biết nhau. Việc ông Khang và ông Toàn ký hợp đồng góp vốn, ông Bang không biết và không được ai báo cho biết.

Việc chuyển tiền vào tài khoản của ông Bang, không ai báo trước cho bị cáo... Trong hồ sơ không có tài liệu nào thể hiện ông Khang cùng ông Bang bàn bạc, thống nhất ý chí để cùng thực hiện hành vi phạm tội.

Vì vậy, tòa cấp phúc thẩm cho rằng cần xem xét lại ý thức đồng phạm của ông Bang trong vụ án này khi các cơ quan tố tụng cáo buộc ông này giúp sức cho ông Khang lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về nội dung đơn tố cáo của ông Thái Khắc Toàn, bản án phúc thẩm nhận định, các lời khai của ông Toàn tại Công an quận Đống Đa có nhiều điểm mâu thuẫn với các lời khai tại CQĐT - Công an TP Hà Nội và mâu thuẫn với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, nhưng những mâu thuẫn này không được đề cập xử lý.

Cũng theo bản án phúc thẩm, bản án sơ thẩm hầu như không xem xét đánh giá chứng cứ thu thập tại Công an quận Đống Đa. Điều này vi phạm nguyên tắc phải đánh giá đầy đủ toàn diện các chứng cứ liên quan đến vụ án. Những sai sót trên của cấp sơ thẩm không thể khắc phục ở cấp phúc thẩm.

Tin cùng chuyên mục