Không để Luật Hỗ trợ DNNVV chờ nghị định

(BĐT) - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khi đi vào cuộc sống được kỳ vọng khơi dậy những nguồn lực còn tiềm ẩn để khu vực DNNVV phát triển nhanh và bền vững, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế giai đoạn tới. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông đã chia sẻ với Báo Đấu thầu xung quanh công tác chuẩn bị để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Đến thời điểm này, tiến độ xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật đang được triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Ngay sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua, công tác chuẩn bị triển khai Luật đã được Bộ KH&ĐT tích cực thực hiện. Theo đó, ngay trong quá trình soạn thảo Luật, cơ quan soạn thảo đã dự thảo 4 nghị định hướng dẫn. Trong đó, có 3 nghị định do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành là Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định hướng dẫn về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định hướng dẫn về Quỹ Phát triển DNNVV. Riêng Nghị định về Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại tổ chức tín dụng sẽ giao Bộ Tài chính chủ trì. Cả 4 nghị định này đều được trình kèm Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ động thực hiện các công tác liên quan để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo nghị định. Cụ thể là, đơn vị chủ trì soạn thảo đã lên danh sách thành viên Ban soạn thảo nghị định, đồng thời đã có công văn yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung. Chúng tôi phấn đấu khi Luật có hiệu lực thì cả 4 nghị định cũng ra đời kịp thời để không có chuyện Luật chờ nghị định.

Từ nay đến cuối năm, Bộ KH&ĐT sẽ triển khai hoạt động phổ biến, tuyên truyền để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống tốt hơn, trong đó có việc giúp mọi người hiểu đúng, hiểu rõ về những nguyên tắc hỗ trợ của Luật. Có thể nói, công tác chuẩn bị triển khai Luật đang được chuẩn bị ở mức cao nhất, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng DN.

Không để Luật Hỗ trợ DNNVV chờ nghị định ảnh 1
Thứ trưởng Đặng Huy Đông
Tháo gỡ vướng mắc về vốn luôn là vấn đề nóng được DN quan tâm. Cơ chế tiếp cận tín dụng của Luật có điểm gì mới so với những cơ chế đã có, thưa Thứ trưởng?

Theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, tín dụng sẽ mở ra một số kênh mới, DNNVV không chỉ được tiếp cận nguồn tín dụng của Nhà nước, mà còn dựa thêm vào vốn tín dụng của khu vực tư nhân. Cụ thể là Luật Hỗ trợ DNNVV luật hóa được quỹ đầu tư mạo hiểm tạo kênh vốn rất quan trọng cho hoạt động khởi nghiệp của DN. Việc này trước đó không được công nhận tại bất cứ một văn bản pháp luật nào. Bên cạnh đó, theo từng thời kỳ, từng giai đoạn, Chính phủ cũng sẽ có chương trình tín dụng riêng hỗ trợ cho DNNVV theo những chủ đề, nội dung ưu tiên… để góp phần phát triển kinh tế. 

Thời gian qua, Quỹ Phát triển DNNVV đã được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có nhiều DN biết đến Quỹ?

Thời gian qua Quỹ Phát triển DNNVV đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ khó khăn về nhu cầu vốn cho DN, trong đó có việc đi đến các địa phương để giới thiệu hoạt động của Quỹ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hiện tượng DN một mặt thì phàn nàn thiếu vốn, nhưng mặt khác lại không chịu tiếp cận dù cơ chế tiếp cận vốn của Quỹ rất công khai, minh bạch. Hiện nay, để tránh hiện tượng xin - cho trong tiếp cận nguồn vốn, Quỹ đặt ra yêu cầu khi DN gửi hồ sơ đăng ký vay vốn thì gửi vào một tài khoản chung. Tài khoản này cả DN, ngân hàng và Quỹ đều có thể xem và tương tác nhằm đảm bảo quá trình đánh giá hồ sơ được thông suốt, cũng như nâng cao tính minh bạch trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Với cách làm minh bạch đó, hy vọng rằng trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục nhận được những hồ sơ đề xuất các khoản vay có chất lượng. 

Mục tiêu cả nước có 1 triệu DN vào năm 2020 dường như là không quá khó khi một lượng lớn hộ kinh doanh cá thể sẽ chuyển đổi thành DN. Luật Hỗ trợ DNNVV có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích các đối tượng này?

Trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan soạn thảo đã nhận diện được băn khoăn của các hộ kinh doanh cá thể khi ngại chuyển thành DN. Cụ thể là việc họ sẽ bắt buộc phải tuân thủ một số quy định của Luật DN. Tuy nhiên, bù lại theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, khi chuyển đổi thành DN, họ sẽ có tư cách pháp nhân, được tiếp cận với nguồn tín dụng chính thống, độ tin cậy cũng được nâng lên, từ đó DN có thể phát triển thương hiệu, kêu gọi đầu tư… Theo quy định, trong quá trình chuyển đổi thành DN, các hộ kinh doanh cá thể có thời gian 2 năm để làm quen với phương thức quản lý DN, được giãn thời gian báo cáo thuế, nội dung báo cáo của DN nhỏ đơn giản hơn DN lớn, quy định về kế toán cũng sẽ được quy định đơn giản hơn…

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục