Không tạo đặc ân trong đấu giá tài sản

(BĐT) - Tại phiên họp chiều ngày 14/9, nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần phải cân nhắc kỹ việc luật hóa các tài sản của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Không nên tạo đặc ân cho một công ty, doanh nghiệp (DN) mới thành lập trong khi hiệu quả hoạt động của DN này vẫn chưa được đánh giá cụ thể. 

Luật hóa tài sản của VAMC

Báo cáo về một số vấn đề lớn của Dự án Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 79 Điều, trong đó bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Theo đó, một số ý kiến đề nghị quy định 1 chương về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch. Có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng, việc quy định cụ thể ngay trong Luật là không phù hợp, không đảm bảo sự linh hoạt.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC sử dụng ngân sách để mua được thực hiện theo trình tự, thủ tục thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản, nội dung về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định mang tính nguyên tắc tại một số điều, khoản trong Luật và giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này. 

Không để 1 doanh nghiệp được hưởng đặc ân

Luật Đấu giá tài sản không thể quy định 1 điều cho 1 công ty, doanh nghiệp mới thành lập.
Điều 3 và Điều 54 của Dự án Luật Đấu giá tài sản quy định: “Tài sản đấu giá là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua trong trường hợp VAMC lựa chọn bán thông qua đấu giá”; “VAMC tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua”; “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua”.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định này không rõ ràng và không đảm bảo tính minh bạch. Theo bà Ngân, Luật Đấu giá tài sản không thể quy định 1 điều cho 1 công ty, DN mới thành lập. “DN này lại chỉ tồn tại đến khi hết nợ xấu, vậy khi hết nợ xấu DN này còn tồn tại nữa không mà đưa vào Luật?” – bà Ngân nêu quan điểm.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, cùng là tài sản nhà nước mà lại để công ty, DN lựa chọn hình thức đấu giá là không thống nhất. Ngay cả việc Chính phủ sẽ quy định trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu, theo đại biểu này là “cũng không yên tâm” và khi cụ thể hóa vào Luật thì “cũng chưa yên tâm”. Theo ông Chiến, VAMC là mô hình rất mới, tính hiệu quả của VAMC chưa được đánh giá, tổng kết, thậm chí còn nhiều ý kiến gây tranh cãi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Tại sao lại có một đặc ân cho 1 công ty, DN mới thành lập gần đây trong khi hiệu quả hoạt động của DN này chưa được đánh giá, báo cáo, thậm chí nhiều ý kiến còn nói là nợ xấu vẫn còn treo ở VAMC?”. Dựa trên phân tích của mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, để Luật Đấu giá tài sản phải điều chỉnh ở tầm phổ quát, điều chỉnh chung nhất, không nên có đặc ân cho một công ty, DN, tổ chức nào.           

Tin cùng chuyên mục