Kiểm soát “sân sau” của tham nhũng

(BĐT) - Hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực công sẽ giảm đi đáng kể nếu Luật PCTN (sửa đổi) không đưa khu vực ngoài nhà nước vào đối tượng điều chỉnh, kiểm soát. Bởi trong nhiều trường hợp, khu vực ngoài nhà nước chính là nơi trú ẩn, là “sân sau” của những hành vi tham nhũng trong khu vực công.
Tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước diễn ra khá nghiêm trọng. Ảnh: Nhã Chi st
Tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước diễn ra khá nghiêm trọng. Ảnh: Nhã Chi st

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Theo Tờ trình về Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đang được Thanh tra Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, việc sửa đổi Luật PCTN là để giải quyết những bất cập phát hiện qua 10 năm thi hành Luật PCTN 2005; tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về PCTN; đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác và nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng…

Đáng chú ý, tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh), Dự thảo Luật quy định khái quát: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong PCTN”.

Như vậy, so với Luật PCTN 2005, Dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “người có hành vi tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý. Đồng thời, người có chức vụ, quyền hạn ngoài những đối tượng theo quy định của Luật hiện hành, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm đối tượng “người giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng ban kiểm soát, Kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư” và “Chủ tịch, Tổng thư ký, Kế toán trưởng, Trưởng ban Kiểm tra của tổ chức xã hội”. Thanh tra Chính phủ cho rằng, quy định này thể hiện tinh thần từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Góp ý cho Dự thảo Luật, quan điểm của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị cân nhắc tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài nhà nước, không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với khu vực này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, thực tế tham nhũng ở khu vực tư khá nghiêm trọng, quy định như Dự thảo Luật là chưa đủ.

Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ loại hình tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật chỉ bao gồm công ty đại chúng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, quỹ đầu tư hay tất cả các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Khu vực tư đứng ngoài phòng, chống tham nhũng?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, thực tế tham nhũng ở khu vực tư khá nghiêm trọng, quy định như Dự thảo Luật là chưa đủ.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, thực tiễn hiện nay cho thấy, tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước diễn ra khá nghiêm trọng, phức tạp, tuy nhiên lại chưa được Luật PCTN 2005 điều chỉnh.

Trong quá trình tiếp thu ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật, nhiều quan điểm cho rằng, nếu Luật PCTN không đưa khu vực ngoài nhà nước vào đối tượng điều chỉnh, kiểm soát thì hiệu quả của việc PCTN trong khu vực công sẽ giảm đi đáng kể. Vì trong điều kiện hiện nay, sự kết nối các mối quan hệ công tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. “Trong nhiều trường hợp, khu vực ngoài nhà nước chính là nơi trú ẩn, “rửa tiền”, là “sân sau” của những hành vi tham nhũng trong khu vực công. Bởi vậy, việc PCTN sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực ngoài nhà nước”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đối với nhóm tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ, Bộ luật Hình sự đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước đối với 4 tội danh (tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ).

Ngoài ra, theo Thanh tra Chính phủ, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đặt ra yêu cầu phải thống nhất trong quy định về hành vi tham nhũng giữa Bộ luật Hình sự và Luật PCTN. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đặt ra yêu cầu PCTN trong khu vực tư. Chính vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đối với khu vực ngoài nhà nước là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của công tác PCTN.

Tin cùng chuyên mục