Nhiều yếu kém trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư

(BĐT) - Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trình Quốc hội mới đây đã chỉ rõ nhiều vấn đề trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại nhiều dự án của các địa phương, bộ, ngành và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 
Dự án Xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 4.956,2 tỷ đồng lên 6.742,3 tỷ đồng (tăng 36%). Ảnh: Lê Tiên
Dự án Xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 4.956,2 tỷ đồng lên 6.742,3 tỷ đồng (tăng 36%). Ảnh: Lê Tiên

Điều này cho thấy, tồn tại trong quản lý vốn đầu tư công còn phổ biến và chính những tồn tại này đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đua nhau tăng tổng mức đầu tư

Theo báo cáo của KTNN, tại nhiều dự án, công tác khảo sát, lập và phê duyệt dự án đầu tư không tuân thủ quy định, không hợp lý, dẫn đến phải điều chỉnh quy mô, làm tăng tổng mức đầu tư so với kế hoạch. Cụ thể, có tới 24 dự án của các địa phương, DN bị KTNN “điểm danh” điều chỉnh quy mô vượt kế hoạch dự toán. Phần lớn các dự án sau khi điều chỉnh đã làm tăng quy mô sử dụng vốn lên rất nhiều, đặc biệt có dự án tăng tới hơn 200%.

Điển hình như: Dự án Xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Thao điều chỉnh 4 lần, từ 1.036,4 tỷ đồng lên 1.797,2 tỷ đồng (tăng 73,4%); Dự án Xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956,2 tỷ đồng lên 6.742,3 tỷ đồng (tăng 36%); Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - TP. Hạ Long điều chỉnh 2 lần, từ 1.318 tỷ đồng lên 2.838,8 tỷ đồng (tăng 115,3%)…

Đáng chú ý, Dự án Trung tâm hành chính Đà Nẵng điều chỉnh từ 880 tỷ đồng lên 2.131,3 tỷ đồng (tăng tới 142%); Dự án Trung tâm hành chính Lâm Đồng điều chỉnh từ 495,4 tỷ đồng lên 1.014,6 tỷ đồng (tăng 105%).

Cá biệt, có những dự án tăng quy mô lên gấp 2-3 lần so với kế hoạch như Dự án Hồ Tả Trạch tỉnh Thừa Thiên Huế điều chỉnh 3 lần, từ 1.081,6 tỷ đồng lên 3.848,1 tỷ đồng (tăng 256%); Dự án Di chuyển, nâng cấp trạm bơm Đan Hoài huyện Đan Phượng, Hà Nội điều chỉnh tăng 229,98%.

Nhiều thiếu sót trong hồ sơ mời thầu

Không chỉ điều chỉnh về quy mô vốn, theo kết quả kiểm toán, hầu hết dự toán của các dự án được kiểm toán đều tính sai khối lượng, định mức, đơn giá; thậm chí một số dự án để xảy ra sai sót lớn gây ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư như: Dự án Đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây; Dự án Thủy điện Hủa Na...

Đáng chú ý, kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, tình trạng hồ sơ quản lý chất lượng của nhiều dự án còn thiếu sót, hồ sơ mời thầu (HSMT) chưa đầy đủ, chi tiết diễn ra khá phổ biến. “HSMT của nhiều đơn vị còn rất nhiều vấn đề như yêu cầu một số nội dung làm hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu; thẩm định, phê duyệt HSMT, kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa đúng quy định; phân chia gói thầu không hợp lý; tiên lượng đính kèm HSMT của một số gói thầu không phù hợp với bản vẽ thiết kế kỹ thuật, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt” - Báo cáo của KTNN chỉ rõ.

Có tới 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới trong năm 2014 với số tiền nợ đọng lên tới 13.377 tỷ đồng
Đặc biệt, một số dự án được KTNN chỉ đích danh chủ đầu tư chưa thực hiện đăng tải đầy đủ thông tin trên Báo Đấu thầu theo quy định như Kho bạc Nhà nước (KBNN) với Dự án KBNN Đắk Lắk, Hòa Bình, Thủy Nguyên, Uông Bí, Cẩm Phả; Bộ Công Thương với Dự án Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm, Dự án Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại; Tổng cục Thuế với Dự án Trụ sở Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP. Đà Nẵng và Chi cục Thuế TP. Ninh Bình. 

Tiếp tục phát sinh nợ đọng

Một vấn đề đáng lo ngại mà Báo cáo của KTNN nêu lên là tỷ lệ nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) không những không được giải quyết, mà còn gia tăng do công tác lập, thẩm định và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư đối với hầu hết các dự án hoàn thành đều không đảm bảo thời gian quy định. Hầu hết các địa phương chưa tuân thủ triệt để những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã dẫn tới thực tế là có tới 39/50 địa phương được kiểm toán phát sinh nợ đọng XDCB mới trong năm 2014 với số tiền nợ đọng lên tới 13.377 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số địa phương như Quảng Nam, Hà Giang, Hậu Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Lạng Sơn, Bình Định, Hà Tĩnh vẫn chưa xây dựng phương án, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thậm chí hàng loạt các bộ và cơ quan trung ương như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thuế... cũng chưa bố trí nguồn vốn để xử lý nợ đọng.

KTNN cho biết, qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.037 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 229,3 tỷ đồng; giảm thanh toán 758,7 tỷ đồng; xử lý khác 1.049 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục