Phân loại thỏa thuận vay nợ nước ngoài

(BĐT) - Các thỏa thuận vay nợ nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điều ước quốc tế (ĐƯQT) vì có giá trị ràng buộc pháp lý quốc tế nên cần quy định cụ thể về mức độ, tiêu chuẩn khoản vay, mục đích và thẩm quyền phê duyệt đối với từng trường hợp.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về lựa chọn nhà thầu khác với quy định của Luật Đấu thầu thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. Ảnh: Tiên Giang
Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về lựa chọn nhà thầu khác với quy định của Luật Đấu thầu thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. Ảnh: Tiên Giang

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo khi bàn về Dự thảo Luật tại Phiên họp sáng ngày 30/3, Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII. 

Thỏa thuận vay nợ nước ngoài có phải là điều ước quốc tế?

Theo UBTVQH, định nghĩa “điều ước quốc tế” trong Dự thảo Luật phù hợp với quy định tại Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969 và thực tiễn pháp luật về ĐƯQT của các nước. Theo đó, có hai điều kiện cơ bản để một văn kiện được thừa nhận là ĐƯQT. Một là văn kiện đó phải được ký kết giữa quốc gia với một chủ thể của luật quốc tế, bao gồm quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc chủ thể khác (như vùng lãnh thổ Hồng Công, Ma Cao…). Hai là văn kiện đó phải tạo ra quyền và nghĩa vụ của quốc gia theo công pháp quốc tế.

Theo định nghĩa “điều ước quốc tế” tại Dự thảo Luật, nếu thỏa thuận vay đáp ứng được các tiêu chí của ĐƯQT - được ký kết với chủ thể của luật quốc tế và được điều chỉnh theo luật quốc tế như trường hợp các hiệp định vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… thì do Luật ĐƯQT điều chỉnh; nếu được ký với các ngân hàng thương mại không nhân danh Nhà nước hay Chính phủ nước họ thì không phải là ĐƯQT.

Thỏa thuận vay khi không được coi là ĐƯQT sẽ có bản chất là hợp đồng kinh tế, các quyền và nghĩa vụ của các bên trong thỏa thuận vay vẫn được tôn trọng và thực hiện đầy đủ. Điểm khác so với ĐƯQT là trách nhiệm đó không xác định theo luật quốc tế, mà theo luật quốc gia hoặc chế tài cụ thể quy định trong hợp đồng. Quy trình ký kết thỏa thuận vay khi không là ĐƯQT thì sẽ do Luật Quản lý nợ công điều chỉnh. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ định nghĩa về ĐƯQT như Dự thảo Luật. 

Điều ước quốc tế không được trái với Hiến pháp

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nói, pháp luật nước ta không xác định rõ vị trí của ĐƯQT trong mối tương quan với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng với quy định của Dự thảo Luật thì có thể hiểu “nôm na” là ĐƯQT đứng dưới Hiến pháp và trên luật, cho dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, đại biểu này cho rằng: Do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật bao gồm cả Hiến pháp nên quy định “ĐƯQT không được trái Hiến pháp và ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế có quy định khác nhau về cùng một vấn đề” là chưa đầy đủ và chưa thật chính xác.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng cũng đưa ra đề nghị cần sửa lại như sau: "Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trừ Hiến pháp và ĐƯQT mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của ĐƯQT" như vậy mới thống nhất với Khoản 5, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với Khoản 1, Điều 3 của Dự thảo là điều ước quốc tế không được trái Hiến pháp”.

Tin cùng chuyên mục