Phan Sào Nam: Không ngờ doanh thu đánh bạc trực tuyến quá lớn

"Chơi bạc sử dụng khoa học và toán thống kê, dù vi phạm pháp luật nhưng chúng tôi đã làm được", Nam trình bày.
Phan Sào Nam trong phiên tòa sáng 19/11.
Phan Sào Nam trong phiên tòa sáng 19/11.

Sáng nay, phiên tòa xét xử vụ án đường dây đánh bạc chục nghìn tỷ đồng bắt đầu ngày làm việc thứ bảy. 91 bị cáo có mặt đầy đủ.

Cho rằng rất quan tâm tới sản lượng của game bài Rikvip/TipClub xem tại sao lại có doanh thu lớn thế, luật sư Hoàng Hướng đăng ký hỏi bị cáo Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT VTC Online).

Nam giải thích, khi bắt đầu triển khai dịch vụ này không lường được quy mô, doanh thu lớn vậy. Ban đầu, doanh thu chỉ 5-10 tỷ đồng, sau đó liên tục tăng. "Để giải quyết bài toán khách hàng tăng, chúng tôi phải giải quyết bằng công nghệ. Giống như ngành xây dựng, nếu công trình 5 tầng đổ xuống phải sử dụng công nghệ khác; 50 tầng, 70-80-100 tầng thì công nghệ phải khác hẳn. Chúng tôi ban đầu là "xây cho nhà 5 tầng", sau đó các nội dung liên quan khách hàng, kỹ thuật phát sinh đã lần lượt được giải quyết từng bước. Đó là niềm động viên với chúng tôi", bị cáo Nam khai.

Nam khai, hầu hết công việc hàng ngày là giải quyết là công tác kỹ thuật: đường truyền, cơ sở dữ liệu khi lượng giao dịch lớn... "Hiểu nôm na hệ thống chúng tôi xây dựng tương đương ngân hàng lớn, nhà mạng lớn ở Việt Nam nhưng với lượng tài chính nhỏ và công nghệ Việt Nam 100%", cựu chủ tịch VTC Online nói và cho hay quá trình chuẩn bị cho đến vận hành, nhóm công nghệ ban đầu đã bỏ nhiều công sức, chi phí nghiên cứu.

"Chơi bạc sử dụng khoa học và toán học thống kê, ở Việt Nam hầu như không có chuyên gia có kinh nghiệm. Chúng tôi vi phạm pháp luật nhưng tương đối tự hào với thành quả khoa học đã làm được trong giai đoạn này", Nam trình bày.

Về việc bồi thường, luật sư Hoàng Hướng hỏi: "Hôm xét xử cuối tuần trước VKS đã chiếu màn hình các số liệu khắc phục hậu quả của anh song còn nhiều tài sản nằm trong dạng kê biên, anh có đồng tình các cơ quan tố tụng bán thu hồi tang vật nộp vào ngân sách nhà nước không?". Bị cáo Nam đáp: "Ngay từ đầu khi điều tra, tôi đã đồng ý bán".

Nam nhìn mẹ khi bà trình bày.

Nam nói gần đây đã bán nốt căn nhà duy nhất gia đình đang ở (mua bằng tiền tiết kiệm từ năm 2013 - trước thời điểm tổ chức game bài) để khắc phục thi hành án. Khi luật sư hỏi về gia đình, giọng trầm lại, Nam cho hay ba con (lớn 10 tuổi, nhỏ hơn một tuổi) đang được ông bà nội ngoại chăm sóc, ở nhà thuê. Thấy bị cáo nghẹn lời chủ tọa nói bị cáo có thể từ chối câu trả lời. Nam sau đó đưa tay lên ngực để trấn tĩnh.

Chủ tọa cho hay, trước phiên xét xử, bị cáo Nam đã gửi HĐXX bản trình bày nói về những suy nghĩ, phân vân khi khai báo với cơ quan điều tra về tài sản hơn 1.300 tỷ đã nộp. Bị cáo phân tích nếu gửi ngân hàng mỗi ngày có 200 triệu đồng lãi, vì nhận thức việc mình phạm tội nên đã nộp lại tiền.

Nhắc lại lời khai của Nam về "thành quả khoa học trong tổ chức game bài", HĐXX nói rằng ở góc độ công nghệ nó là thành quả, nhưng ở góc độ xã hội thì lại ảnh hưởng tới trật tự xã hội nên phải bị xử lý.

Chủ tọa sau đó cho Nam về chỗ song bị cáo lại xin được trình bày một vấn đề. Nam nói trong quá trình điều tra bị thu giữ ba chiếc điện thoại, đều mượn của mẹ chỉ dùng liên lạc chứ không thực hiện phạm tội. Trong điện thoại có hình ảnh gia đình nên Nam đề xuất được nhận lại.

Khi mẹ được gọi lên bục khai báo, Nam ngoái người nhìn theo. Sau khi trình bày muốn xin lại ba chiếc điện thoại, người phụ nữ dáng người nhỏ, nhanh nhẹn nói: "Tôi muốn nhắn lại con rằng với tôi cháu vẫn mãi là người con ngoan, học giỏi. Sau sự việc này, tôi mong con nhận thức tốt hơn, mong con sớm được quay về đời sống xã hội, tiếp tục cống hiến với học vấn củ mình. Ba đứa trẻ còn nhỏ rất cần sự quan tâm của bố, dù được ông bà chăm sóc nhưng không thể bằng bố. Tôi kính mong quý tòa thấu hiểu cho tấm lòng người mẹ". Khi bà về chỗ, Nam vẫn ngoái nhìn theo.

Tiếp theo, dì ruột của Nam, bà Phan Thu Hương, đứng lên bục khai báo với vai trò bị cáo. Bà Hương mặc vest đen, khăn choàng sáng màu, bà nói coi Nam như con và khi biết cậu ta phạm tội đã vô cùng bàng hoàng. "Nam nói làm ăn được, con gửi tiền để mẹ có thể kinh doanh giúp", bà giải thích lý do giữ 236 tỷ đồng cho Nam.

Khi nhận số tiền lớn, bà không hỏi vì luôn tin tưởng Nam do đã có những thành tích, được khen thưởng trong quá khứ. "Bị cáo rất ân hận về những lỗi lầm, vì sự thiếu hiểu biết khiến hôm nay Phan Sào Nam vướng vòng lao lý", bà Hương nghẹn ngào. Theo hồ sơ vụ án, bà Hương nuôi Nam từ nhỏ do bố mẹ Nam ly hôn.

VKS hỏi lý do gì không khai khi cơ quan điều tra hỏi về số tiền Nam chuyển, bà Hương mình là nhà doanh nghiệp, tiền đã dùng vào việc làm ăn nên chưa thể xử lý được ngay. Bà sau đó xin được khắc phục cho Phan Sào Nam và đến nay đã xong.

Theo hồ sơ vụ án, bà Hương nuôi Nam từ nhỏ do bố mẹ Nam ly hôn. Bà bị truy tố về tội Rửa tiền, theo khoản 3 Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Nguyễn Văn Dương khai được thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu lập CNC

Sáng nay, lần đầu tiên Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch Công ty CNC) bị thẩm vấn. Nói tôn trọng lời khai của Nam, Dương khẳng định là đúng và không bổ sung gì khi được hỏi về mối quan hệ của hai người, thời điểm hợp tác làm ăn.

"Ai là người giới thiệu cho bị cáo thành lập CNC để sau này hợp tác với C50 (Cục Cảnh sát điều tra tôi phạm về công nghệ cao)?", chủ tọa hỏi. Dương nói như đã trình bày với các cơ quan điều tra, trong một số lần gặp, cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa nói C50 cần có công ty bình phong trong hoạt động đấu tranh nghiệp vụ.

Sau đó, Dương và ông Hóa lên báo cáo một thứ trưởng Bộ Công an (hiện đã mất) và được nói về lập công ty CNC, mục đích chính là hoạt động kinh tế nghiệp vụ. Trước đó, Dương không có ý định lập công ty này.

Dương khai, vì thời gian lâu, tạm giam cũng lâu nên không nhớ rõ hết nội dung hợp tác giữa CNC và C50, chỉ nhớ là hoạt động kinh tế thông thương, hoạt động hóa trang trinh sát đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Dương khẳng định ông Hóa là người đại diện C50 ký hợp tác với CNC. Theo Dương, C50 có 20% vốn ở CNC, không đóng góp về nhân sự. Sau khi hợp tác ông Hóa cho rằng việc góp vốn không đảm bảo thỏa thuận hợp tác nên không góp vốn, dù Dương và ông Hóa không có mâu thuẫn.

Dương nói không nhớ hết về đóng góp của doanh nghiệp này với C50 song công ty đã nỗ lực tham gia vào các hoạt động trinh sát tìm hiểu, nắm bắt tình hình tội phạm, đặc biệt tội phạm công nghệ cao. Điều này thể hiện qua nhiều báo cáo cũng đã có trong hồ sơ vụ án.

"Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?", chủ tọa hỏi. Dương khẳng định là bị cáo Nguyễn Thanh Hóa.

Trong thời gian hoạt động từ 2011 đến 2015, Dương nói hàng tháng, quý, năm CNC đều báo cáo với C50. C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra. Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát.

Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.

Theo cáo trạng, biết Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) là công ty bình phong của C50 (Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát), Nam rủ Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch CNC) hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến và được đồng ý.

Đầu tháng 4/2015, Dương chỉ đạo cấp dưới Lưu Thị Hồng (Tổng giám đốc CNC) ký hợp đồng với Nam để cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ, khai thác thương mại game bài với tên RikVip.

Sau khi ký hợp đồng với công ty CNC, Nam chỉ đạo Phan Anh Tuấn (Phó giám đốc công nghệ VTC online) mua thiết bị, ký hợp đồng thuê chỗ đặt máy chủ ở quận Cầu Giấy. Tuấn cùng các nhân viên kỹ thuật công ty VTC Online sau đó thiết lập hệ thống 262 máy để game bài RikVip hoạt động.

Nhà chức trách cho rằng tổng số tiền được nạp vào hệ thống game bài Rikvip, 23Zdo, Zon/Pen do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm vận hành là gần 10.000 tỷ đồng. Số liệu này chưa đầy đủ vì không có dữ liệu từ ngày 24/6/2017 đến ngày kết thúc 29/8/2018.

Tin cùng chuyên mục