Rắc rối vụ bảo lãnh mua tàu hơn 500 tỷ đồng của VDB Kiên Giang

VDB nghi ngờ bên được bảo lãnh có dấu hiệu sử dụng vốn sai mục đích và tài khoản chuyển tiền (Singapore) là tài sản cá nhân.
Rắc rối vụ bảo lãnh mua tàu hơn 500 tỷ đồng của VDB Kiên Giang

Năm 2009, CTCP Vận tải hàng hải Quốc Việt lập dự án đầu tư mua tàu chở dầu trọng tải 105.000 tấn. Công ty Quốc Việt đã ký hợp đồng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) vay vốn số tiền 25,6 triệu USD với mục đích mua và kinh doanh tàu chở dầu.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Kiên Giang (VDB Kiên Giang) phát hành chứng thư bảo lãnh cho Công ty Quốc Việt. Tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay của dự án đầu tư là tàu chở dầu được đóng mới tại Hàn Quốc, giá trị 599 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản sẽ được xác định lại khi dự án hoàn thành và quyết toán.

Căn cứ để VDB Kiên Giang bảo lãnh là phương án kinh doanh thể hiện Công ty Quốc Việt đã ký hợp đồng cho thuê tàu với Tổng CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam (PVTrans), thời hạn là 10 năm, không hủy ngang trừ trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ. Thực tế là chỉ sau thời gian ngắn, hợp đồng thuê tàu bị dừng lại, Công ty Quốc Việt lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Kể từ khi giải ngân đến tháng 8/2011, bên vay mới trả được 4 kỳ hạn và năm 2013 mới thanh toán lãi vay hơn 1 triệu USD.

Dù ngân hàng nhiều lần cơ cấu nợ, giảm lãi vay nhằm tháo gỡ khó khăn, nhưng Công ty Quốc Việt có biểu hiện không hợp tác. VietinBank đã đưa vụ việc ra tòa án nhờ phân xử. Năm 2015, TAND quận Cầu Giấy chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc Công ty Quốc Việt phải trả nợ gốc và lãi (tính đến ngày xét xử sơ thẩm) là 26 triệu USD (tương đương 565 tỷ đồng). Trường hợp bị đơn không trả nợ, VDB Kiên Giang sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh.

VDB kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị triệu tập công ty bán tàu tham gia tố tụng. Ngân hàng nghi ngờ có dấu hiệu Công ty sử dụng vốn sai mục đích và tài khoản chuyển tiền (Singapore) là tài sản cá nhân. VDB đề nghị các bên cung cấp thêm chứng cứ để làm rõ hai vấn đề trên.

Một điểm nữa là theo điều kiện bảo lãnh, hai bên (vay và cho vay) phải quản lý tài chính đối với khoản vay. Hồ sơ thể hiện Công ty Quốc Việt ký hợp đồng thuê tàu với đối tác mới nhưng Công ty sử dụng tiền vào việc khác. VDB đổ lỗi Vietinbank không quản lý được số tiền này.

Hội đồng xét xử nhận định, về mục đích cho vay, các bên thừa nhận mua, kinh doanh tàu chở dầu. Theo thông tin tờ khai hàng hóa hải quan, các thông số đều trùng khớp với thông tin Công ty Quốc Việt lập dự án. Ngân hàng Vietinbank lập biên bản sử dụng vốn vay và Công ty tiến hành xong thủ tục nhập tàu. Các bên nhiều lần kiểm tra thực tế con tàu và ghi nhận nội dung Công ty sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Đối với yêu cầu của VDB về việc cung cấp chứng cứ, tòa cho rằng nội dung trên thuộc giai đoạn thẩm định ban đầu. Quá trình xét xử sơ thẩm thể hiện 2 ngân hàng là Vietinbank và VDB xác nhận thẩm định đúng quy trình. VDB cho rằng chưa đủ căn cứ Công ty Quốc Việt chuyển hết tiền cho bên bán và có dấu hiệu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Song VDB thừa nhận điều này chỉ là nghi ngờ nên tòa không chấp nhận là chứng cứ xác thực.

Hội đồng xét xử cũng nhận định, trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Vietinbank và Công ty Quốc Việt có liên quan đến bảo lãnh của VDB Chi nhánh Kiên Giang. Do đó, không cần thiết đưa bên bán tàu tham gia tố tụng.

Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Bross và cộng sự) cho biết, thông thường, bên vay trình bày mục đích vay vốn đối với bên cho vay và việc sử dụng đồng tiền do bên vay chủ động thực hiện theo mục đích cam kết. Ngân hàng bảo lãnh chỉ quan tâm tiến độ thanh toán và khi phát hành chứng thư bảo lãnh đã có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo có thể không hiện hữu bằng vật chất mà có thể bằng tín chấp... Khi phát sinh nghĩa vụ, ngân hàng bảo lãnh phải thanh toán thay và có nghĩa vụ nhận nợ đương nhiên. Khi đó, Ngân hàng có tài sản đảm bảo để đảm bảo cho khoản vay. Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử chỉ chấp thuận một phần yêu cầu kháng cáo về lãi suất của VDB.               

Tin cùng chuyên mục