Sốt ruột với rào cản kinh doanh

(BĐT) - Luật Đầu tư (ĐT), Luật Doanh nghiệp (DN) đã có những cải tiến mạnh mẽ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và DN. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, không đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi phải tháo gỡ ngay.
Tình trạng ngược nhau về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính nhất quán,... trong các quy định về đầu tư kinh doanh đang “hành” doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng ngược nhau về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính nhất quán,... trong các quy định về đầu tư kinh doanh đang “hành” doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

“Đang có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động kinh doanh”

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 do ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày tại Phiên họp ngày 26/7. Sau khi nghe Tờ trình, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) đã bày tỏ sự thất vọng khi trong Chương trình đã không có nội dung xem xét thông qua Luật sửa đổi các luật liên quan đến DN và môi trường đầu tư kinh doanh như Chính phủ đề nghị trước đó. Thậm chí, theo ông Vũ Tiến Lộc, Tờ trình của UBTVQH cũng không đề cập yêu cầu giao Chính phủ chủ trì nghiên cứu chuẩn bị hồ sơ dự luật này để báo cáo UBTVQH trong kỳ họp tới.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc bức xúc chỉ ra hàng loạt bất cập: “Nhiều quy định đang trong tình trạng “ông chằng, bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. Luật DN, Luật ĐT đi một đằng, luật chuyên ngành lại đi một nẻo. Luật DN và Luật ĐT được thiết kế theo phương án “chọn bỏ”, trong khi luật chuyên ngành lại làm theo cách “chọn cho”. Luật DN và Luật ĐT bảo hậu kiểm, nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm. Luật ĐT quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ, ngành đẻ ra giấy phép. Luật DN nói DN không cần con dấu, luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu DN phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho cơ quan nhà nước. Luật chồng lên luật, bộ “lấn” địa phương. Chính phủ “làm thay” DN…”.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện Chính phủ mới xem xét 12 luật mà đã có tới 58 điều được đề nghị sửa đổi. Còn theo rà xét bước đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ít nhất là có 50 luật và khoảng 150 điều, khoản trong các luật liên quan đến DN và đầu tư, kinh doanh cần xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng…; đề nghị bãi bỏ ít nhất 70/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật ĐT và 10 ngành nghề khác…

Tán thành ý kiến này, ĐBQH Lê Anh Tuấn (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: “Qua 1 năm thi hành, đã đặt ra nhiều vấn đề bức thiết cần xem xét, sửa đổi kịp thời các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh của DN, bảo đảm phù hợp hơn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng hội nhập, mở rộng quyền tự do kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ nên sớm hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật sửa đổi các luật liên quan đến DN và môi trường đầu tư kinh doanh, báo cáo UBTVQH để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2016”.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cũng cho rằng: “Nếu Dự án Luật này được thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV thì sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế năm 2016, đặc biệt là tạo đà cho phát triển, khuyến khích đầu tư ngay từ năm 2017. Do đó, cần làm sớm để ban hành kịp thời, nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN, chuẩn bị cho việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, TPP…

“Nhu cầu cấp bách thì sao phải chờ?”

Nhiều quy định đang trong tình trạng “ông chằng, bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông. 
Do số lượng luật được đề nghị đưa vào Chương trình khá lớn, nhưng thời gian vật chất lại có hạn, cho nên, có ý kiến cho rằng, mỗi năm Quốc hội chỉ nên làm 10 - 15 luật để bảo đảm tiến độ và chất lượng cũng như đầy đủ hồ sơ theo quy định. Tuy nhiên, ĐBQH Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) lại cho rằng, đã là nhu cầu cấp bách của thực tiễn, sao lại phải chờ? Nếu VCCI đã có bản đề xuất sửa đổi, thì tại sao phải chờ đưa vào dự án của Chính phủ, mà không cung cấp thông tin cho các ĐBQH tại Phiên họp để các ĐBQH cùng nghiên cứu, bàn luận tập thể. Đồng thời, ĐBQH Ngô Đức Mạnh kiến nghị: “Quốc hội cần tổ chức ngay một hội nghị cho các đại biểu chuyên trách bàn về những vấn đề còn đang tồn tại, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn”.

Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của các ĐBQH về Dự án Luật nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Không phải UBTVQH không đồng ý đưa Dự án Luật vào Chương trình, UBTVQH rất tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết của việc rà soát các văn bản pháp luật tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh.  Đây là Dự án Luật được UBTVQH thảo luận rất kỹ tại Phiên họp thứ 50 Quốc hội khóa XIII. Lúc đó, Chính phủ mới chỉ đưa ra đề nghị, mà chưa có tờ trình, chưa có hồ sơ và thực hiện theo các quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”.

“Tuy nhiên, muốn sửa một luật nào đó thì cần phân tích chính sách cơ bản của luật đó là gì, lý do tại sao, đánh giá tác động như thế nào thì hồ sơ trình Quốc hội cần phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Trong trường hợp cần thiết, UBTVQH có thể điều chỉnh Chương trình và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. UBTVQH  đã yêu cầu Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan từ nay đến cuối năm 2016, rà soát tất cả luật, pháp lệnh liên quan đến đầu tư và kinh doanh để có một hồ sơ dự án đầy đủ theo quy định để các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 2 trong năm 2016, nếu đủ điều kiện, đảm bảo chặt chẽ”.

Tin cùng chuyên mục