Tăng cường giám sát đấu thầu, đầu tư để chống tham nhũng

(BĐT) - TP.HCM cần đặc biệt coi trọng sự minh bạch, công khai trong đấu thầu cũng như tăng cường công tác giám sát đầu tư để góp phần phòng, chống tham nhũng, đưa Thành phố phát triển bền vững.
Tham nhũng, lãng phí xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, đất đai…   Ảnh: Tất Tiên
Tham nhũng, lãng phí xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực quản lý đô thị, kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, đất đai… Ảnh: Tất Tiên

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM tổ chức tại TP.HCM ngày 24/12/2015.

Tham nhũng có thể mò đến mọi ngóc ngách

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chia sẻ: “TP.HCM chính là địa phương điểm được Trung ương chọn để đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, từ đó triển khai, rút kinh nghiệm cho cả nước. Với một đô thị gần 10 triệu dân, mọi vấn đề nổi cộm liên quan đến đô thị, kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu, đất đai… đều có thể xuất hiện tham nhũng và tội phạm tham nhũng.

“Tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của Thành phố”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định và đánh giá, trong 10 năm qua, Thành phố đã sớm có những chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật Phòng, chống tham nhũng nhanh và hiệu quả và coi đây là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài để phát triển Thành phố. TP.HCM đã đưa ra nhiều nghị quyết để quyết tâm đưa Luật Phòng, chống tham nhũng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Cụ thể, HĐND Thành phố có nhiều phiên chất vấn chuyên đề về phòng, chống tham nhũng; UBND Thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động để phòng và chống tham nhũng không chỉ là tuyên truyền, hình thức.

Trong 10 năm qua, công tác thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực. “Tuy nhiên, mục tiêu đề ra là ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm tham nhũng lại chưa đạt. Khả năng tự phát hiện tham nhũng còn yếu. Nhũng nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, viên chức vẫn còn tồn tại”, ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM nhìn nhận.

Theo báo cáo của Tòa án nhân dân TP.HCM, thời gian qua, Tòa án đã thụ lý 199 vụ, với 636 bị cáo liên quan đến tham nhũng. Tính từ năm 2006 đến nay, các vụ án hình sự sơ thẩm thuộc thẩm quyền thụ lý của Tòa án nhân dân TP.HCM liên quan đến tham nhũng có tăng nhưng không đáng kể về số lượng vụ, tuy nhiên số bị cáo ngày càng tăng mạnh, đặc biệt có năm số bị cáo tăng đột biến. Chỉ tính riêng năm 2015, Tòa án đã thụ lý 20 vụ, trong đó có 81 bị cáo. Các vụ án tham nhũng tăng về số lượng bị cáo đã chứng tỏ, hành vi tham nhũng với tính chất tinh vi và mối liên kết, cấu kết giữa các đối tượng ngày càng tăng. Tham nhũng dễ phát sinh khi có sự buông lỏng về quản lý tài sản công, ngân sách.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tại một thành phố có quy mô lớn về kinh tế - xã hội như TP.HCM, có rất nhiều vấn đề như đất đai, sử dụng ngân sách, tài sản công…, cần quan tâm, giám sát cao để tránh xảy ra tham nhũng. “Thành phố cần tận dụng sự năng động, sáng tạo, sức trẻ của mình để đi đầu trong phong trào phòng, chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Còn nhiều bất cập trong thu hồi tài sản tham nhũng

Theo đánh giá của Tòa án nhân dân TP.HCM, trong thời gian qua, Tòa án đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng, số tiền tịch thu từ các vụ án này lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo rất tinh vi trong việc chuyển giao tài sản cho người khác, do đó công tác tịch thu, thu hồi các loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ án Tòa tuyên thu hồi cả trăm tỷ đồng nhưng kết quả thi hành án trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án này chỉ là những con số không đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2013 chỉ đạt 10%. Năm 2014, Nhà nước chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỷ đồng/6.740 tỷ đồng thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, đạt tỷ lệ 22%. “Công tác thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng được xem là vấn đề rất quan trọng cũng là bất cập lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng.

“Việc chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có, được cho là một trong những khó khăn nhất hiện nay do thói quen sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật trong những năm gần đây chưa thực sự bảo đảm sự ổn định cần thiết, dẫn đến nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Đó là chưa kể, một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng, mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tội phạm khác. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được”, Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, tuy tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của TP.HCM có tăng theo từng năm nhưng số tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng so với thực tế thiệt hại là quá nhỏ. “Do đó, khâu quan trọng nhất vẫn là tăng cường quyết tâm chính trị để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả ngay từ nhận thức. Phát hiện sớm từ công tác thanh, kiểm tra để giảm nhiều nhất những thiệt hại cho Nhà nước. Việc thu hồi tài sản do tham nhũng cần có những hướng đi đột phá phù hợp với thực tế diễn biến tội phạm”.

Tăng cường giám sát đấu thầu, đầu tư để chống tham nhũng ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Chỉ riêng góc độ đấu thầu các công trình sử dụng ngân sách thôi cũng phải đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng. Vì đây là khâu dễ tạo điều kiện cho tội phạm tham nhũng nảy sinh nếu vẫn còn dung túng cơ chế xin - cho. Hiện nay, phân cấp trong đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản đã khá rõ ràng và triệt để. Tuy nhiên, nếu thiếu giám sát, kiểm tra, thanh tra thì cũng rất dễ tạo điều kiện cho tham nhũng. Do đó, TP.HCM cần đặc biệt coi trọng công tác giám sát đấu thầu, đầu tư”.

Tin cùng chuyên mục