Từ vụ lãnh đạo Bắc Ninh bị đe dọa: Nên tạm dừng nạo vét sông Hồng?

(BĐT) - Lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động khai thác cát trái phép đã khiến cho việc “trộm cát” được biến tướng dưới rất nhiều hình thức. Việc khơi thông dòng chảy kết hợp tận thu sản phẩm cát cũng chính là một cơ hội “vàng” để nhiều người trục lợi. Phải chăng đã đến lúc nên tạm dừng phương thức này trên các tuyến sông?
17 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa trên sông Hồng đang được giao cho 12 doanh nghiệp thực hiện, khai thác. Ảnh: Quế Hà
17 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa trên sông Hồng đang được giao cho 12 doanh nghiệp thực hiện, khai thác. Ảnh: Quế Hà

“Chặt khúc” sông Hồng

Bộ GTVT mới đây đã ra thông báo thống nhất theo ý kiến của Cục Đường thủy nội địa về việc tạm dừng Dự án Nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến sông Cầu. Vụ việc xuất phát từ văn bản “kêu cứu” của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh này đề nghị không cho tiếp tục Dự án. Lý do là quá trình triển khai khiến đê hữu sông Cầu, bờ, bãi sông bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi 5 - 10m. Sau khi có chủ trương dừng Dự án, lãnh đạo tỉnh này cho biết đã bị một số đối tượng nhắn tin đe doạ.

Từ câu chuyện trên, vấn đề khác đặt ra cũng cần được xem xét tới là đã đến lúc nên tạm dừng việc nạo vét kết hợp với tận thu trên các tuyến sông khác, trong đó có sông Hồng - một con sông quan trọng mang tính chất “xương sống” của vùng Đồng bằng Bắc Bộ?

Theo cập nhật mới nhất của Cục Đường thủy nội địa, tính đến cuối năm 2016, có 43 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm đã hoàn thành thủ tục và triển khai thi công. Trong đó, đáng chú ý có tới 17 dự án thực hiện trên sông Hồng.

17 dự án này đang được chia cho 12 DN khai thác. Nổi cộm trong số các nhà đầu tư này là Công ty CP Việt Xuân Mới, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn, Công ty CP Cát Đại Lợi; Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp HTH; Công ty CP Kiến trúc và Xây dựng TT…

Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn và Công ty CP Việt Xuân Mới, mỗi công ty có tới 2 hợp đồng triển khai dự án trên sông Hồng với tổng chiều dài cũng như khối lượng nạo vét lớn. 

Có nên tạm dừng các dự án nạo vét sông Hồng?

Câu chuyện “núp bóng” danh nghĩa nạo vét bồi lắng dòng sông Hồng rồi sau đó tranh thủ ngày đêm cấp tập hút cát tận diệt tài nguyên, vi phạm thiết kế dự án đã được nhắc tới nhiều trong những năm trở lại đây. Từ vụ việc ở sông Cầu - Bắc Ninh có nên tính chuyện tạm dừng toàn bộ các dự án xã hội hoá nạo vét trên sông Hồng để rà soát, đánh giá, chống thất thoát tài nguyên hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho rằng việc này là cần thiết.

Theo ông Tứ, việc khai thác cát vượt mức sẽ làm tụt đáy sông, khiến bờ sông không ổn định dẫn đến xói lở gây những hệ luỵ nghiêm trọng. Cần phải có biện pháp quản lý nghiêm ngặt các dự án nạo vét ở khắp các dòng sông.

Trong khi đó, theo TS. Võ Đại Lược, cần thực hiện xem xét, rà soát lại toàn bộ các dự án nạo vét hiện nay. “Tạm ngừng ngay các dự án có dấu hiệu trục lợi, tiêu cực”. Ông Lược cũng cho rằng việc tiến hành thanh tra nên thực hiện bởi cơ quan khác không thuộc Bộ GTVT để công khai minh bạch hơn.

Tại cuộc họp với tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 18/3, đề cập đến vấn đề nổi cộm này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu cần sự vào cuộc kiểm soát của lực lượng công an, tài nguyên và môi trường và các lực lượng khác để ngăn chặn “vấn nạn” khai thác cát trái phép hiện nay.

Đáng lưu ý, liên quan đến lựa chọn doanh nghiệp thực hiện các dự án nạo vét luồng tuyến, có thể thấy hiện nay chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Việc chỉ định này khó tránh khỏi những nghi ngờ có lợi ích nhóm.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho biết: Cơ quan này đang soạn thảo Thông tư của Bộ GTVT về việc sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nạo vét, duy tu luồng tuyến. Theo đó, trong thời gian tới, khi thực hiện nạo vét kết hợp với tận thu cát sẽ tiến hành đấu thầu công khai.

Tin cùng chuyên mục