Phát triển bền vững - vấn đề sống còn của doanh nghiệp

(BĐT) - Sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, sử dụng năng lượng tái tạo gắn với phát triển bền vững (PTBV)... không chỉ là “mốt” trong sản xuất và tiêu dùng hiện nay, mà đã trở thành nhu cầu tự thân, vấn đề sống còn của mỗi doanh nghiệp (DN).
Heineken đang triển khai năng lượng mặt trời tại 4/6 nhà máy tại Việt Nam
Heineken đang triển khai năng lượng mặt trời tại 4/6 nhà máy tại Việt Nam

Xu hướng “tiêu dùng xanh”

PTBV không dừng lại ở một cá nhân, tổ chức, DN, quốc gia nào, mà đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về PTBV diễn ra tại New York (Mỹ) vào tháng 9/2015, 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã thông qua Chương trình Nghị sự toàn cầu về PTBV đến năm 2030 với 17 mục tiêu PTBV (SDG). Chính phủ Việt Nam đã có cam kết trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV, Kế hoạch hành động quốc gia, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cùng nhiều văn bản khác với 115 mục tiêu cụ thể. Điều này cho thấy, xu hướng PTBV là tất yếu, là lựa chọn ưu tiên của thị trường, từ sản xuất cho tới tiêu dùng.

DN nào đi ngược lại xu hướng đó như thâm dụng năng lượng hóa thạch, tài nguyên, phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường... sẽ dần bị tẩy chay, đào thải. Trách nhiệm của DN đối với cộng đồng không chỉ đơn thuần là các chương trình thiện nguyện, nhân đạo..., mà còn là cam kết với toàn xã hội về việc PTBV từ trong quy trình sản xuất.

Thực tế cho thấy, nhiều DN đã tính tới việc sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch, thủy điện... Ông Matt Wilson - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken cho biết, DN này đang triển khai năng lượng mặt trời tại 4/6 nhà máy tại Việt Nam, chi phí tiết kiệm được ước khoảng 2 triệu USD/năm so với việc sử dụng điện truyền thống. Nguồn nước được sử dụng một phần từ nước mưa. Trong các nhà máy, nguồn nhiệt thải ra từ các nồi nấu bia được tận dụng lại tối đa. Rác thải, chất thải, khí thải giờ đây không còn là đồ bỏ đi, tùy tiện xả ra gây ô nhiễm môi trường, mà trở thành nguyên liệu đầu vào của các DN khác.

Với một nền kinh tế tuần hoàn, theo nhiều chuyên gia, thay vì trả tiền thuê người đổ đi, thì nay có thể bán rác, thu tiền, tạo nên một thị trường thứ cấp, qua đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Lợi ích thiết thực cho chính DN là tiết kiệm được chi phí, thông qua đó giảm được giá thành sản phẩm, năng lực cạnh tranh được nâng cao và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. 

“Cửa” nào cho DN nhỏ và vừa?

Theo ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng Ban Thư ký của Hội đồng DN vì sự PTBV (VBCSD), PTBV không chỉ dành cho các DN lớn, mà còn là yêu cầu sống còn của DN nhỏ và vừa. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là rất quan trọng. DN lớn cũng không thể tự đi một mình được, do đó rất cần các DN nhỏ và vừa làm vệ tinh. Để tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu này, mỗi DN phải đáp ứng được tiêu chuẩn PTBV.

Chẳng hạn như, trong thời gian qua, cùng với sự đào tạo, tập huấn, hỗ trợ của Coca Cola và VBCSD, 8 DN nhỏ và vừa đã trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của Coca Cola thông qua việc áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Bộ chỉ số này với 131 tiêu chí (năm 2018) là công cụ hỗ trợ DN thực hiện trách nhiệm báo cáo và trách nhiệm giải trình với các đối tác, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan khác và được xây dựng phù hợp với quy mô của từng DN, từng lĩnh vực...

Còn theo ông Matt Wilson, để tạo nên chuỗi cung ứng PTBV khép kín trong cả hệ thống (từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra), các bạn hàng, đối tác, cho đến người tiêu dùng đều phải cùng đồng hành trong PTBV. Heineken đã và đang nỗ lực hỗ trợ các bên liên quan để nâng cao nhận thức về PTBV, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân DN, mà còn giúp ích cho cả xã hội.

Ông Nguyễn Huy Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco chia sẻ, DN hiện có 72 ha với 2.000 tấn dược liệu Actiso tại Lào Cai; 500 ha với 1.000 tấn đinh lăng tại Nam Định; 800 ha với 300 tấn rau đắng đất tại Phú Yên... DN đã ký kết hợp đồng cam kết với từng hộ dân và các bên tham gia vào chuỗi giá trị dược liệu giúp DN phát triển và từ đó DN đầu tư trở lại cho nông dân.

Việc thay đổi nhận thức đã khó, nhưng việc biến nhận thức thành hành động còn khó hơn. Không ít ý kiến chỉ ra rằng, phần lớn DN vẫn đang loay hoay chưa biết đi từ đâu. Theo ông Phạm Hoàng Hải, việc áp dụng các bộ chỉ số cụ thể để làm thước đo sẽ giúp DN tiệm cận dần với những chuẩn mực trong nước và quốc tế. Hiện có nhiều bộ chỉ số PTBV được xây dựng để đo lường kết quả thực hiện PTBV tại DN như GRI (Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu), CSI (VBCSD xây dựng và tổ chức bình chọn DN hàng năm)... Giải thưởng DN PTBV được nhiều DN coi như là giấy thông hành để dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng, bạn hàng, đối tác, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong huy động vốn... Dự kiến, Lễ công bố 100 DN PTBV năm nay sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11, tại Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục