Phong cách đối lập Trump - Tập tạo sóng gió quan hệ Mỹ - Trung

Phong cách ăn nói thẳng thừng ở tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trái ngược hẳn với sự kín kẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mối tương phản này có thể đặt quan hệ Mỹ - Trung vào tình thế chông chênh hơn.
Phong cách ăn nói thẳng thừng ở Donald Trump trái ngược hẳn với sự kín kẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:news.com.au
Phong cách ăn nói thẳng thừng ở Donald Trump trái ngược hẳn với sự kín kẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:news.com.au

Cả tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đặt quyết tâm khôi phục sự vĩ đại của đất nước. Nhưng nếu tỷ phú Trump nghĩ gì nói đó và thích gây ồn ào thì ông Tập lại là người tính toán thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Họ là hai nhà chính trị có phong cách đối lập sâu sắc và việc đặt họ bên cạnh nhau khiến quan hệ Mỹ - Trung trở nên khó lường hơn, theo New York Times.

"Tôi không thể hình dung về hai vai diễn chính khác biệt nhau trong vở kịch lớn của mối quan hệ Mỹ - Trung. Tính cách lãnh đạo có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là giữa hai cường quốc", Evan S. Medeiros, cựu giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), bình luận.

Cuộc tranh cãi sau vụ hải quân Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn tự hành của hải quân Mỹ cho thấy phần nào phong cách khác biệt mà ông Trump và ông Tập có thể bộc lộ một khi căng thẳng Mỹ - Trung bùng nổ trong tương lai trước các vấn đế như Biển Đông, tình trạng mất cân đối thương mại Mỹ - Trung, vũ khí hạt nhân Triều Tiên hay một loạt bất đồng khác.

Bên ồn ào, bên lặng tiếng

Ông Trump gần đây liên tục đưa ra những cảnh báo ồn ào nhằm vào Trung Quốc, dường như xuất phát từ các phản ứng bản năng và đòi hỏi táo bạo nhưng còn mơ hồ, chuyên gia nhận định. Trái lại, ông Tập, con trai một lão thành cách mạng Trung Quốc, là người kỷ luật và nghiêm nghị. Ông hiếm khi phát biểu trước công chúng mà không chuẩn bị trước. Ngay cả những phát biểu dường như ứng khẩu của ông cũng được sắp đặt cẩn thận. Ông thường bám sát các trọng điểm chính sách khi hội đàm với những lãnh đạo nước ngoài.

Cây bút Chris Buckley từ New York Times cho rằng Chủ tịch Trung Quốc chắc chắn có khả năng hành động cứng rắn nhưng ông có xu hướng che giấu suy nghĩ dưới một ma trận các khẩu hiệu. Điều này khiến những người ngoài phải đoán già đoán non về việc ông sẽ thực hiện các mục tiêu của mình khi nào và như thế nào.

"Tập Cận Bình thận trọng trong các phát biểu công khai hơn Donald Trump nhưng chính phủ Trung Quốc có thể sẽ đáp trả rất mạnh mẽ trước những nỗ lực quyết liệt nhằm thay đổi nguyên trạng (quan hệ Mỹ - Trung). Điều tốt nhất mà các cố vấn của tổng thống đắc cử Mỹ nên làm cho an ninh quốc gia là phải sàng lọc phát ngôn của Trump trên mạng xã hội Twitter", Jessica Chen Weiss, phó giáo sư nghiên cứu chính sách đối ngoại Trung Quốc ở Đại học Cornell, New York, bình luận.

Những phát biểu của Trump đến nay cho thấy ông có lẽ sẽ áp dụng một đường lối khó đoán và thẳng thừng hơn đối với Trung Quốc so với các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.

Hồi đầu tháng, ông Trump có cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, phá vỡ nguyên tắc ngoại giao Mỹ duy trì gần 40 năm qua. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh  Fox  News, Trump thậm chí còn ngụ ý sẽ từ bỏ chính sách "Một Trung Quốc" ngăn cản Washington thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Theo ông, Mỹ có thể sử dụng vấn đề Đài Loan làm trọng điểm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ về thương mại.

Dan Blumenthal, giám đốc ban nghiên cứu châu Á thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), khen ngợi cách tiếp cận thẳng thừng của Trump đối với Trung Quốc, đồng thời khẳng định "Trung Quốc không quen với việc Mỹ nhấn mạnh và thúc đẩy các lợi ích giống như cách mà Trung Quốc thường làm".

Ông Tập hiện không đưa ra bất kỳ phản ứng công khai nào trước các cảnh báo từ ông Trump. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gọi ngắn sau khi Trump đắc cử tổng thống. Các lãnh đạo Trung Quốc hiếm khi công khai can dự trực tiếp vào những tranh cãi và thường để các quan chức cấp thấp hơn làm việc này.

Hối thúc phản ứng cứng rắn

Không giống ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình hiếm khi phát biểu trước công chúng mà không chuẩn bị trước. Ảnh:Reuters

Cây bút Chris Buckley nhận định sức ép phải đưa ra một phản ứng cứng rắn hơn đối với Trump sẽ gia tăng ở Trung Quốc nếu tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục tung ra những cảnh báo nhắm mục tiêu vào Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi ông nhậm chức.

Giới chuyên gia đến giờ vẫn tranh cãi liệu việc Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của hải quân Mỹ có phải nhằm truyền đi một thông điệp cảnh báo Trump không hoặc liệu đây có phải một động thái được ông Tập cho phép?

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có lẽ đã tính toán rằng đội ngũ của Trump sẽ diễn giải biến cố trên như "một phép thử và một lời cảnh báo", Nghê Nhạc Hùng, nhà nghiên cứu các vấn đề hải quân thuộc Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, nói.

"Trung Quốc sẽ không thể không phản ứng trước các khiêu khích từ ông ấy. Trump dường như muốn theo đuổi chính sách ngoại giao khiến người khác phải đoán. Tuy nhiên, cách làm việc này có thể dễ dàng gây ra rắc rối", ông Nghê nhận xét.

Ngày 19/12, một bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh chính phủ của ông Tập cần chuẩn bị cho một mối quan hệ gập ghềnh Trung - Mỹ.

"Trump quăng búa ở đằng đông rồi ném gậy ở đằng tây nên suy nghĩ thực sự của ông rất khó nắm bắt", bài xã luận viết.

Bài viết cũng cho rằng Trung Quốc nên "đứng vững trên đôi chân mình và nắm bắt tốt các diễn biến, phản ứng bình tĩnh".

Tuy nhiên, thậm chí những lời kêu gọi bình tĩnh bắt nguồn từ Trung Quốc cũng mang những thông điệp khiêu khích và tiềm ẩn nguy cơ khiến chính quyền Trump tương lai nổi giận.

Khi tuyên bố trao trả thiết bị lặn, Bộ Quốc phòng Trung Quốc không quên nhấn mạnh hải quân nước này đã thể hiện "cách hành xử có trách nhiệm và chuyên nghiệp" lúc tịch thu thiết bị dù nó thậm chí hoạt động bên ngoài khu vực Biển Đông mà Trung Quốc áp đặt chủ quyền trái phép.

Những tiếng nói cứng rắn ở Trung Quốc cũng kêu gọi phản ứng quyết liệt hơn với Trump. Hôm 17/12, Thời Báo Hoàn cầu, một tờ báo có giọng điệu chống Mỹ, đã tổ chức một diễn đàn ở Bắc Kinh. Tại đây, các diễn giả hối thúc Trung Quốc trả đũa cứng rắn nếu Trump xây dựng quan hệ gần gũi hơn với lãnh thổ Đài Loan, đồng thời khen ngợi hành động tịch thu thiết bị lặn của hải quân Mỹ.

"Trung Quốc không e sợ đối đầu với Mỹ", Đái Húc, đại tá cấp cao không quân Trung Quốc về hưu, phát biểu tại diễn đàn. "Không có sự hợp tác từ Trung Quốc, Trump sẽ chẳng đạt được điều gì cả. Tôi dám nói rằng nếu ông ấy chọn cách đối đầu với Trung Quốc, ông ấy sẽ không ngồi được ghế tổng thống quá 4 năm".

Kim Xán Vinh, giáo sư ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, thậm chí còn mạnh miệng tuyên bố: "Trung Quốc là rồng, Mỹ là đại bàng, Anh là sư tử. Khi rồng tỉnh giấc, tất cả những con vật khác đều là đồ ăn vặt của nó".

Cách phản ứng cứng rắn như trên không định hình chính sách đối ngoại Trung Quốc song ông Tập cùng các lãnh đạo Trung Quốc khác rất nhạy cảm với cơn phẫn nộ mang tính chủ nghĩa dân tộc ở trong nước, chuyên gia đánh giá. Vì thế, sức ép đối với ông Tập có khả năng tăng lên nếu Trump tiếp tục công khai chỉ trích Trung Quốc, đặc biệt trước vấn đề lãnh thổ, ví dụ như Đài Loan hay Biển Đông.

"Trung Quốc có xu hướng nhượng bộ lãnh đạo mới của Mỹ trong một khoảng thời gian để họ ổn định", Weiss nhận định. "Tuy nhiên, Trump đã vội vàng thách thức Trung Quốc hơn các tổng thống Mỹ đắc cử khác nên thời gian nhân nhượng có thể sẽ kết thúc nhanh chóng".

"Nếu Trump cảm thấy bị thách thức, ông ấy, có lẽ về mặt bản năng, không muốn bị nhìn nhận là yếu ớt", Bonnie S. Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Washington, suy đoán. "Tình hình sẽ rối tung nếu Trump quyết định phản ứng trên Twitter hoặc phát biểu công khai trong một cuộc khủng hoảng trước khi ông có đầy đủ thông tin tình báo và phân tích cần thiết".

Ông Tập cũng đang lo lắng cho nghị trình chính trị trong nước. Ông được bầu làm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 và đại hội đảng vào năm 2017 gần như chắc chắn tiếp tục bỏ phiếu cho ông giữ chức Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Nhưng ông Tập phải thiết lập đội ngũ quan chức cấp cao mới làm việc dưới quyền và trong thời gian này, giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc càng chú trọng hơn đến bầu không khí ổn định, giới quan sát nhìn nhận.

"Giới lãnh đạo Trung Quốc phải cân bằng mục tiêu duy trì môi trường bên ngoài ổn định hơn và dễ dự báo với mục tiêu không để bên ngoài cảm nhận Trung Quốc yếu ớt và dễ bị tổn thương. Tôi tin vế sau sẽ lấn át vế trước nếu giới lãnh đạo Trung Quốc buộc phải lựa chọn", Glaser nói.

Tin cùng chuyên mục